Tại Sóc Trăng, nhiều địa phương nằm trong khu vực vùng trũng ít chịu ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập đang bắt đầu xuống giống vụ lúa Hè Thu 2024. Để giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả trong vụ lúa này, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế rủi ro do ảnh hưởng hạn mặn, dịch hại và mưa dông làm đổ ngã giảm năng suất ở cuối vụ.
Theo kế hoạch sản xuất vụ lúa Hè Thu 2024, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) xuống giống 18.500 ha, đến nay địa phương đã xuống giống được 16.601 ha, chiếm 87% diện tích.
Ông Hồng Minh Nhật, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm thông tin, để chủ động sản xuất cho vụ lúa Hè Thu, ngành đã duy tu sửa chữa các trạm bơm điện trên địa bàn để phục vụ bơm tát; hiện có 70 trạm bơm điện khép kín trên 62% diện tích sản xuất lúa của địa phương. Cùng đó, ngành phối hợp với Ban quản lý cống Âu thuyền Ninh Quới, tỉnh Bạc Liêu (cống ngăn mặn, giữ ngọt) để phối hợp điều tiết nước mặn xâm nhập trên tuyến sông Quản lộ Phụng Hiệp để chủ động xuống giống; các giống chủ lực như ST24, RVT, Đài Thơm và nhóm giống OM thơm nhẹ khác.
Ông Hồng Minh Nhật thông tin thêm, năm nay kế hoạch sản xuất trên địa bàn thị xã sớm hơn 20 ngày so với cùng kỳ mọi năm (vì vùng đất thấp hay bị ngập úng mỗi khi mưa nhiều) nhằm đảm bảo tránh được thời tiết mưa dông ảnh hưởng đến năng suất ở cuối vụ. Ngành nông nghiệp thị xã tăng cường chỉ đạo cán bộ kỹ thuật và bà con thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình dịch hại để chủ động có kế hoạch ứng phó hạn chế thiệt hại do sâu bệnh.
Ông Cao Văn Lơ, nông dân khóm Vĩnh Mỹ, phường 3, thị xã Ngã Năm cho biết, năm nay gia đình ông sản xuất vụ lúa Hè Thu với diện tích 1,2 ha giống OM 18, hiện cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, ít sâu bệnh và phát triển khá tốt; nhờ nằm trong đê bao kép kín của trạm bơm điện nên nguồn nước được cung cấp khá đầy đủ, nhiều nông dân sản xuất rất phấn khởi trong mùa hạn mặn năm nay. Ông Lơ cho biết thêm, năm nay lịch thời vụ của ngành chuyên môn đưa ra sớm hơn mọi năm gần 1 tháng, bởi xuống giống sớm sẽ tránh được mưa dông, cây lúa ít bị đổ ngã, ngập úng khi thu hoạch, hạn chế được thất thoát năng suất ở cuối vụ.
Còn tại huyện Mỹ Tú, lãnh đạo UBND huyện cho biết, địa phương đã xuống giống 11.030 ha lúa Hè Thu, đạt 48,52% so với kế hoạch sản xuất, hiện cây lúa đang trong giai đoạn mạ; các xã có diện tích xuống giống nhiều như: Hưng Phú, Mỹ Phước, Mỹ Tú, Long Hưng và thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa.
Ông Nguyễn Thanh Điền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết, theo kế hoạch sản xuất toàn huyện sẽ xuống giống 22.732 ha, chủ yếu nhóm giống OM thơm nhẹ. Ngay từ đầu mùa khô, ngành chuyên môn huyện đã triển khai nạo vét một số kênh trục chính, tập trung cho thủy lợi nội đồng ở một số vùng chưa đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu nước. Đặc biệt, nạo vét các tuyến kênh nội đồng đã bị bồi lắng; tu bổ, sửa chữa các công trình thuỷ lợi để đảm bảo tưới và tiêu nước tốt.
Ông Nguyễn Thanh Điền cũng cho hay, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng vận hành các cống trong điều kiện thời tiết khô hạn nhằm đảm bảo nước tưới phục vụ cho sản xuất lúa; nắm chặt chẽ tình hình gieo trồng và dịch hại để kịp thời dự báo cho nông dân; tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa Hè Thu 2024.
Theo ông Lê Thanh Chúc, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị, vụ lúa Hè Thu 2024, toàn huyện sẽ xuống giống trên 23.000 ha, ngành chức năng khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng giống cấp xác nhận để sản xuất, ưu tiên sử dụng giống có khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu về thị trường tiêu thụ lúa gạo. Cụ thể, giống lúa đặc sản giống ST, RVT, Đài thơm 8… giống lúa chất lượng cao OM5451, OM18... Ngành chức năng huyện đã tăng cường giải pháp kỹ thuật hỗ trợ sản xuất cho nông dân như: áp dụng các biện pháp sản xuất theo quy trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong phòng trừ dịch bệnh…
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, vụ lúa Hè Thu năm 2024, theo kế hoạch tỉnh xuống giống 139.360 ha; theo đó, lịch xuống giống vụ Hè Thu chia thành 3 đợt như: Đợt 1 từ 1/4-30/4/2024 ở những vùng chủ động nguồn nước tưới tiêu, đợt 2 từ 1/5-31/5/2024 và đợt 3 xuống giống dứt điểm trước 30/6/2024. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xuống giống được trên 20.000 ha, chủ yếu các vùng đất trũng chủ động được nguồn nước như: Thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Tấn Phương cho biết, ngành chức năng đã tăng cường dự báo tình hình thời tiết, thủy văn, xâm nhập mặn thông tin kịp thời đến người dân biết để chủ động trong gieo sạ và chăm sóc lúa. Đối với khu vực trũng, chủ động nguồn nước ở các huyện Thạnh Trị, Ngã Năm, Mỹ Tú, Châu Thành, khuyến cáo nông dân xuống giống trong đợt 1 để hạn chế thiệt hại do mưa dông cuối vụ.
Ngoài ra, các vùng canh tác lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn ở các huyện Long Phú, Trần Đề, thành phố Sóc Trăng và một phần huyện Kế Sách, Châu Thành và Mỹ Xuyên sẽ xuống giống vào đợt 2 và đợt 3. Ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo nông dân bón lót lân, phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để giúp bộ rễ phát triển mạnh; triển khai các giải pháp kỹ thuật cho nông dân như, 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, công nghệ sinh thái. Cùng với đó, khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng chống một số dịch hại trên lúa như, rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn… nhằm giảm giá thành sản xuất nâng cao năng suất.
Tuấn Phi