Gia Lai phát triển cà phê bền vững thích ứng với các tiêu chuẩn của EUDR

Sáng 9/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai phối hợp với Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) tổ chức “Hội thảo triển khai Hành động thích ứng với Quy định của châu Âu về không gây mất rừng (EUDR) cho ngành hàng cà phê tỉnh Gia Lai”.

vna_potal_ca_phe_san_pham_xuat_khau_chu_luc_cua_tinh_gia_lai__7147954.jpg
Thu hoạch cà phê ở hộ nông dân Jat, thôn Brônngoai, xã Iapết, huyện Đắk Đoa (Gia Lai). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích triển khai Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng của châu Âu nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất không gây phá rừng, suy thoái rừng, sản xuất bền vững kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, xây dựng chuỗi cung ứng cà phê quy mô lớn, bền vững, không gây phá rừng và suy thoái rừng, đáp ứng với các yêu cầu của thị trường và Liên minh châu Âu trong giai đoạn 2023 – 2030. Qua đó giúp các nhà cung ứng cà phê thích ứng với EUDR, tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu ngành hàng cà phê sang thị trường EU nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung.

Theo của Quy định của châu Âu về không gây mất rừng (EUDR) Uỷ ban Châu Âu sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020, bao gồm: chăn nuôi gia súc, các sản phẩm ca cao, cà phê, cao su, gỗ… Thời hạn để thực thi EUDR đối với doanh nghiệp có quy mô lớn là tháng 12/2024, đối với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ là tháng 6/2025. Việc triển khai EUDR sẽ có nhiều thách thức, tác động trực tiếp đến các hộ sản xuất nhỏ, người dân bản địa; các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở tỉnh Gia Lai.

Bởi, cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của tỉnh Gia Lai. Năm 2023 ước đạt 240.000 tấn cà phê xuất khẩu, tương ứng kim ngạch xuất khẩu đạt 490 triệu USD, chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

Đối với việc thức ứng với các tiêu chuẩn của EUDR, Gia Lai có nhiều thuận lợi như: Toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 37.538,3 ha cà phê được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, Rainforest Alliance, Organic. Các sản phẩm cà phê đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước và bước đầu đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Đoàn Ngọc Có, hàng nông sản tại tỉnh Gia Lai sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức để đáp ứng các tiêu chuẩn EUDR; trong đó, thách thức lớn nhất là việc chứng minh những “hàng hóa liên quan” hoặc “sản phẩm liên quan” không gây mất rừng theo yêu cầu của EUDR; Khi các “hàng hóa liên quan” hoặc “sản phẩm liên quan” không thể nhập khẩu vào thị trường EU, hàng nông sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng rất có thể bị ép giá khi xuất khẩu hàng sang các quốc gia có yêu cầu về việc tuân thủ ít hơn.

Ông Đoàn Ngọc Có cho biết, Gia Lai đa phần người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn sống phụ thuộc vào rừng, trong đó có các dân tộc ít người với những đặc điểm văn hoá, xã hội, truyền thống, thói quen, tập tục khác nhau, nếu họ bị bị loại khỏi chuỗi cung ứng hàng hóa, với tập quán du canh du cư từ nơi này sang nơi khác để phát nương, làm rẫy có thể lại tiếp tục gây ra những điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất đai, đặc biệt đã phá vỡ quy hoạch; EUDR không chỉ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng, mà quan trọng hơn là yêu cầu các sản phẩm đó phải phù hợp với luật pháp Việt Nam, bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng lao động, điều kiện lao động cho người nông dân và những quy định khác liên quan đến lao động. Vì thế, đây cũng là thách thức không nhỏ cho ngành cà phê tại tỉnh Gia Lai.

Để ngành cà phê Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung thích ứng với Quy định của châu Âu về không gây mất rừng, đại diện Cục Lâm nghiệp - T.S Nguyễn Trọng Cương cũng đã đưa ra các giải pháp cụ thể; trong đó, phải thiết lập cơ sở dữ liệu rừng để EU sử dụng. Thiết lập ranh giới rừng, diễn biến rừng để làm căn cứ, cơ sở cho các ngành chứng minh sản phẩm đáp ứng yêu cầu không gầy mất rừng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng bản đồ và dữ liệu rừng, bản đồ vùng sản xuất theo mốc thời gian mà EUDR quy định. Đặc biệt, ngành cà phê cần thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ trang trại đến các đại lý tại địa phương.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm