Kon Tum: Khuyến nghị hái cà phê chín để nâng cao giá trị, chất lượng

Kon Tum: Khuyến nghị hái cà phê chín để nâng cao giá trị, chất lượng

Hiện nay, tại tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đang bước vào giai đoạn thu hoạch cà phê. Tuy nhiên, do giá đầu mùa cao, không ít bà con đã thu hái cà phê xanh để bán cho các thương lái. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng thương hiệu cà phê cho các vùng trồng tại Kon Tum. Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thu hái cà phê chín có tỷ lệ từ 90 – 95% trở lên, qua đó, nâng cao giá trị và chất lượng cho hạt cà phê.

Kon Tum: Khuyến nghị hái cà phê chín để nâng cao giá trị, chất lượng  ảnh 1Thu hoạch cà phê chín sẽ cho trọng lượng và giá bán cao hơn từ 20 – 50% so với hái cà phê xanh. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.

Giá trị cao từ việc thu hái cà phê chín

Gia đình anh Lê Văn Thận (thôn Tu Ma, xã Măng Cành, huyện Kon Plông) có 2,5 ha cà phê Arabica. Những năm trước, do chưa có nhiều kinh nghiệm thu hái, cộng với việc các hộ trong thôn đều hái đại trà, nên anh Thận cũng hái cà phê với tỷ lệ chín khoảng 50 – 60%. Với cà phê chất lượng không cao, anh chỉ bán cho thương lái với giá 6.000 – 7.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí chăm sóc, lợi nhuận gia đình anh thu về cũng không nhiều.

“Trước kia hái đại trà, một bao cà phê chỉ được 60 kg, nhưng hái chín thì một bao phải được từ 70 – 80 kg. Giá cà phê hái chín gia đình tôi được Hợp tác xã Cà phê sạch Măng Đen thu mua là 15.600 đồng/kg, cao hơn nhiều so với trước kia. Cùng với đó, hái cà phê chín còn giúp bảo vệ cành cà phê, tạo ra năng suất cao hơn. Như hiện nay, năng suất của gia đình tôi đạt hơn 6 tấn/ha, trong khi những năm trước chỉ chưa đầy 4 tấn/ha”, anh Lê Văn Thận chia sẻ.

Thực tế, việc thu hái cà phê chín cho sản lượng cao hơn là điều dễ hiểu, bởi quả cà phê chín sẽ có hàm lượng nước trong quả nhiều hơn. Không những thế, cà phê chín còn cho ra hương vị thơm ngon hơn khi chế biến tinh. Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung cho rằng, cùng trên một diện tích, nếu hái cà phê chín thì sản lượng sẽ tăng khoảng 20%.

Kon Tum: Khuyến nghị hái cà phê chín để nâng cao giá trị, chất lượng  ảnh 2Thu hoạch cà phê chín sẽ cho trọng lượng và giá bán cao hơn từ 20 – 50% so với hái cà phê xanh. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Tiến sỹ Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Hợp tác xã Cà phê sạch Măng Đen cho biết, ngoài sản lượng cao hơn, thì cà phê chín sẽ cho ra các sản phẩm chất lượng hơn, ngon hơn.

“Để góp phần xây dựng thương hiệu Café de Măng Đen, hiện nay, Hợp tác xã Cà phê sạch Măng Đen đã liên kết với 87 hộ dân có tổng diện tích cà phê xứ lạnh khoảng 100 ha ở xã Hiếu, Măng Cành và Đăk Tăng. Chúng tôi cũng kết mua với giá cao hơn 20% so với giá thị trường đối với cà phê hái chín từ 90% trở lên. Một ha cà phê Arabica nếu như canh tác cho đúng kỹ thuật mà theo hướng hữu cơ Oganic nữa thì giá trị gấp 3, 4 lần so với canh tác và thu hái đại trà”, Tiến sỹ Nguyễn Văn Vũ phân tích.

Kon Tum: Khuyến nghị hái cà phê chín để nâng cao giá trị, chất lượng  ảnh 3Hợp tác xã cà phê sạch Măng Đen thu mua cà phê chín với giá 15.600 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá từ 7.000 – 8.000 đồng/kg khi bà con hái xanh bán cho thương lái khác. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.

Ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cũng khẳng định, hiện nay các vùng trồng cà phê chủ lực của tỉnh như Đăk Hà, Kon Plông đã yêu cầu người dân, doanh nghiệp hái cà phê chín từ 90 – 95% trở lên. Thu hái cà phê chín sẽ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thương hiệu cà phê của các địa phương. Đặc biệt, khi xuất khẩu, cà phê hái chín sẽ có giá trị cao hơn, bởi với phương pháp chế biết ướt mà các doanh nghiệp ngoài nước thực hiện, yêu cầu quả chín ≥ 90%; quả khô, quả chùm, quả xanh ≤ 9%; quả lép ≤ 3%; tạp chất và quả xanh non ≤ 1%; quả thối, mốc ≤ 1%.

Khó khăn trong vận động người dân hái chín

Lợi ích của việc hái cà phê chín từ 90 – 95% trở lên đã được ngành nông nghiệp thông tin rộng rãi cũng như các doanh nghiệp, người dân kiểm chứng, khẳng định. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, hiện nay, không ít người dân tại Kon Tum đang hái cà phê đại trà, với tỉ lệ chín thấp. Nguyên nhân là do trong niên vụ 2023, giá cà phê tăng cao, thậm chí gấp đôi so với các niên vụ trước. Nắm bắt tâm lý cần tiền của người dân, nhiều thương lái đã tìm cách móc nối, liên hệ với người dân để mua cà phê xanh, cà phê đại trà.

Kon Tum: Khuyến nghị hái cà phê chín để nâng cao giá trị, chất lượng  ảnh 4Cà phê hái chín giúp Hợp tác xã cà phê sạch Măng Đen tạo ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao đến với khách hàng. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.

Có mặt tại thôn Tu Ma, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, phóng viên TTXVN chứng kiến hàng chục hộ dân chở cà phê xanh bán cho các thương lái. Dù giá thu mua thấp hơn nhiều so với giá mua cà phê chín, song hàng chục hộ dân trong thôn vẫn hái xanh, thậm chí tỉ lệ quả chín dưới 10% để bán cho các thương lái.

Anh Lê Văn Thận cho biết, mặc dù anh cùng chính quyền địa phương và Hợp tác xã Cà phê sạch Măng Đen đã nhiều lần khuyến nghị người dân hái cà phê chín để bán được giá cao hơn, song không có nhiều hiệu quả. Hiện nay, chỉ có các hộ dân liên kết với Hợp tác xã Cà phê sạch Măng Đen và một vài hộ khác hái cà phê chín, còn lại đa số bà con trong thôn đều hái cà phê theo phương pháp đại trà.

“Ở góc độ tuyên truyền thì mình cũng chỉ có thể khuyên bảo bà con như vậy, chứ không làm khác được. Đôi khi lúc mình tuyên truyền, bà con đồng ý bán cà phê chín, nhưng hôm sau vẫn đi hái cà phê xanh. Cũng không có cách nào khác, vì cà phê đó là của bà con, họ muốn hái kiểu gì mình cũng không thể can thiệp được”, anh Thận nói.

Trước tình trạng người dân hái cà phê xanh, cà phê có tỷ lệ chín thấp bán cho thương lái, Uỷ ban nhân dân huyện Đăk Hà và huyện Kon Plông đã có văn bản về việc siết chặt quản lý việc thu hái cà phê không đảm bảo chất lượng niên vụ 2023 trên địa bàn các xã, thị trấn. Tuy nhiên, vẫn có không ít hộ dân vì lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, bán cà phê không đảm bảo chất lượng cho thương lái.

Ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum phân tích, việc hái cà phê xanh làm cho sản lượng giảm do quả chưa chín hết, nhân nhỏ, chưa mẩy, chắc và trọng lượng chưa đạt đến mức tối đa, hao hụt chiếm hơn 10%. Hái cà phê xanh cũng kéo dài chu kỳ sinh trưởng của cây cà phê, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các vụ sau.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh chỉ tiến hành thu hoạch cà phê đúng độ chín; không thu hái quả xanh, quả non; thu hái đúng kỹ thuật (không tuốt, vặn cành, làm gãy cành); thu hoạch nhiều lần trong một vụ để thu hết quả cà phê chín. Cà phê quả tươi thu hái đảm bảo theo đúng Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN 9278:2012).

“Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong tuyên truyền cho người dân về việc thu hái cà phê đảm bảo độ chín cao; tuyên truyền, hướng dẫn quy trình sản xuất, thu hoạch và chế biến cà phê theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ, RSA... Riêng đối với việc quản lý thu mua, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Sở Công Thương và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường quản lý, giám sát thị trường trong việc thu mua và tiêu thụ sản phẩm cà phê. Đặc biệt, sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại trong thu mua, chế biến, tiêu thụ cà phê cũng như tự tổ chức giao dịch trung gian trái phép gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoài Tâm nhấn mạnh.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm