Nuôi dê núi giúp tăng thu cho người dân vùng cao ở Hòa Bình

Đà Bắc là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình với điều kiện tự nhiên tương đối đặc thù, có địa hình đồi, núi, sông, suối xen kẽ tạo thành nhiều dải hẹp bị cắt phá mạnh mẽ nên đất có độ dốc lớn. Mặc dù có diện tích đất tự nhiên lớn nhất so với các huyện trong tỉnh nhưng đất nông nghiệp tại Đà Bắc chiếm tỷ lệ rất ít, chủ yếu là đất rừng. Trước những khó khăn đó, chính quyền và người dân đã từng bước nỗ lực chuyển đổi phát triển vật nuôi cây trồng. Qua đó, chú trọng phát triển có hiệu quả nghề nuôi dê núi, góp phần tăng thu nhập, ổn định kinh tế bền vững cho nhiều hộ dân.

Đến gia đình anh Hà Văn Chí ở xóm Diều Nọi, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, phóng viên được dẫn đi thăm khu lán chăn thả dê và nghe chia sẻ. Ba năm trở lại đây anh gắn bó với nghề nuôi dê bởi không mất nhiều thời gian chăm sóc. Đặc thù của dê là ăn tạp, sinh sản nhanh, đầu ra cũng thuận lợi, giá bán luôn ổn định. Hiện nay, gia đình có khoảng 20 con dê, mỗi năm xuất bán 10 con dê thịt, giá bán từ 100 đến 150 nghìn/kg, thu về hơn 20 triệu đồng. Nghề nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình có cuộc sống đỡ vất vả, các con có điều kiện học hành hơn.

187768_1-IMG_20240320_112355 (2).jpg
Người dân xã Giáp Đắt (Đà Bắc) nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Ông Đinh Công Kỳ ở xóm Kế, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) cũng là hộ nuôi dê lâu năm trong xã. Ông cho biết, gia đình nuôi theo hình thức bán chăn thả từ năm 2020 đến nay, có thời điểm tổng đàn dê của gia đình lên đến 100 con và hiện nay là hơn 60 con. Mỗi năm đều đặn cho gia đình ông thu nhập từ bán dê thịt khoảng 100 triệu đồng.

Theo những người nuôi dê núi ở Đà Bắc, với khí hậu, thổ nhưỡng, diện tích đồi núi đá rộng và có nhiều khe nước nên thích hợp chăn nuôi dê. Bản tính giống ưa sạch nên núi đá càng cao, càng tách biệt dê càng phát triển mạnh. Người nuôi dê chỉ cần bỏ vốn ban đầu mua con giống, còn quá trình phát triển dê chủ yếu dựa vào đồi núi, thức ăn là từ cây cỏ tự nhiên. Ở đây, phần lớn người dân đều nuôi dê theo hình thức chăn thả hoặc bán chăn thả. Để dẫn dụ đàn đàn dê nhớ giờ về chuồng, người dân thường pha nước muối loãng cho dê uống hàng ngày.

Đặc biệt, dê cũng là loài sinh sản nhanh. Tính trung bình, mỗi con dê cái 2 năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa được 1-2 con, bà con chủ yếu bán dê đực còn dê cái giữ lại để tái đàn. Các thương lái rất ưa chuộng dê núi ở Đà Bắc vì dê nuôi hoàn toàn bằng lá cây rừng nên chất lượng thịt thơm ngon. Mặc dù nuôi dê núi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng nuôi dê không phải lúc nào cũng thuận lợi, người nuôi cũng phải đối mặt với khó khăn khi đàn dê bị dịch bệnh như: chướng bụng, xùi lông, viêm da, đau mắt, viêm phổi, lở mồm… Vì vậy, cũng cần phải theo dõi thường xuyên để kịp thời chữa trị và tiêm phòng dịch.

Ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc cho biết, hiện tổng đàn dê trên địa bàn huyện có trên 8.000 con và đang tiếp tục được người dân nhân rộng. Với những điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê, nghề nuôi dê núi được đánh giá là hướng đi đúng, phù hợp và đem lại thu nhập khá cho người dân. Thay vì người dân chăn nuôi dê tự phát như trước thì giờ đây việc phát triển đàn dê đã được đưa vào chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm.

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh tại địa phương theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm chăn nuôi, sản xuất.

Đồng thời, phối hợp với ngành liên quan tổ chức mở lớp tập huấn kiến thức về khoa học kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn dê; hỗ trợ nguồn vốn để người dân đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng đàn. Đặc biệt, huyện Đà Bắc đã và đang hướng tới việc phát triển các mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị có tính bền vững.

Vũ Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm