Được nhiều người biết đến và nể phục bởi tinh thần vượt khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, ông Danh Ía (ấp Ngô Kim, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương. Với thành công trong sản xuất, ông Danh Ía nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất giỏi và được trao tặng nhiều Bằng khen.
Phát triển hiệu quả mô hình tôm - lúa
Để có được cuộc sống khá giả như bây giờ, gia đình ông Ía đã phải nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Từ hai bàn tay trắng, nhờ chí thú làm ăn, hai vợ chồng ông đã tích lũy tiền mua thêm đất để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.
Ngày trước, đồng đất ấp Ngô Kim (xã Ninh Thạnh Lợi) nhiễm phèn nặng. Mỗi năm sản xuất một vụ lúa bấp bênh. Sau khi Chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau được triển khai, việc sản xuất của người dân nơi đây thuận lợi hơn nhưng vẫn không mang lại hiệu quả bền vững. Vì thế, vùng đất này sau đó được chuyển đổi từ sản xuất độc canh cây lúa sang mô hình tôm - lúa. Từ đó, đời sống của gia đình ông cũng như nhiều nông dân khác từng bước được cải thiện. Với gần 4 ha đất sản xuất, mùa nắng ông thả nuôi tôm sú, cua; mùa mưa trồng lúa kết hợp với thả nuôi tôm càng xanh cùng các loại cá. Ngoài ra, ông còn phát triển mô hình chăn nuôi thỏ, nuôi dê để có thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Danh Ía chia sẻ, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi thông qua các lớp tập huấn do ngành Nông nghiệp tổ chức cùng với kinh nghiệm tích lũy được, hơn 20 năm qua, việc sản xuất của gia đình ông đều mang lại hiệu quả cao. Mỗi năm, gia đình ông thu lợi nhuận vài trăm triệu đồng.
Không dừng lại ở việc phát triển kinh tế gia đình, ông Danh Ía luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhiều nông dân khác. Ông đã vận động nhiều hộ dân thành lập tổ hợp tác sản xuất với diện tích trên 300 ha. Nhờ đó, các thành viên trong tổ được mua tôm giống, lúa giống, phân, thuốc… với giá thấp hơn so với mua đơn lẻ; giúp giảm bớt chi phí đầu tư trong sản xuất.
Phát huy tốt vai trò của người có uy tín
Xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer. Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng ở vùng quê này cơ bản hoàn thành, nhất là đường giao thông đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Dù vậy, xã vẫn còn nhiều hộ nghèo. Với vai trò là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Danh Ía đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân chung sức xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia các phong trào đoàn thể, xã hội. Ông là người tiên phong trong việc hiến đất làm đường cũng như đóng góp tiền của để địa phương xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, sửa chữa trường học…
Là nông dân sản xuất giỏi, được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín trong đồng bào Khmer ở ấp, ông Danh Ía luôn gương mẫu, đồng thời vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Danh Ía cho rằng, muốn người dân tin và nghe theo, ông phải luôn gương mẫu thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, rồi sau đó vận động mọi người trong ấp cùng tham gia.
Ông Danh Cáo, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hồng Dân cho biết, nhờ có kiến thức về Phật giáo cùng với sự nhiệt tình trong công việc chung của ấp, ông Danh Ía đã kết hợp giữa giáo lý nhà Phật với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer. Qua đó, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương.
Với uy tín cùng bề dày kinh nghiệm trong cuộc sống, ông Danh Ía không chỉ là nông dân sản xuất giỏi truyền cảm hứng cho nhiều người phát triển kinh tế mà còn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, luôn tích cực làm cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp địa phương ngày càng khởi sắc.
Tuấn Kiệt