“Cõng" vốn chính sách lên non ở Phú Thọ

Hành trình 22 năm làm cánh tay nối dài của Chính phủ trong việc mang nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã giúp cho hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.

SaThiAnhNguyet.jpg
Chị Sa Thị Ánh Nguyệt được Tỉnh đoàn Phú Thọ tuyên dương, khen thưởng tấm gương đoàn viên thanh niên dân tộc khởi nghiệp thành công. Ảnh: baophutho.vn

"Đòn bẩy" thoát nghèo

Con đường phẳng lì, lượn quanh những quả đồi xanh ngát của huyện miền núi Tân Sơn dẫn đến gia đình anh Phùng Văn Đàn, người dân tộc Mường, xã Tân Sơn. Trong căn nhà không hẳn khang trang nhưng rất sạch sẽ, ngăn nắp, anh Đàn chia sẻ, cách đây 5 năm về trước, gia đình thuộc hộ nghèo nhất nhì của xã. Năm 2019, được các cấp chính quyền xã quan tâm, tạo điều kiện, anh Đàn mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Bước đầu anh Đàn mua 4 con bò, vừa nuôi vừa kết hợp làm nông nghiệp. Sau 1 thời gian nuôi, 4 con bò của gia đình đã phát triển và sinh sản. Nhờ đó, đến nay anh Đàn đã 12 con bò, thu nhập và cuộc sống dần ổn định, thu nhập ngày càng ổn định và đã trả hết nợ ngân hàng.

Là một trong 200 đoàn viên thanh niên của xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn) được bình xét để Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn giải quyết việc làm, chị Sa Thị Ánh Nguyệt chia sẻ, nhận thấy điều kiện tự nhiên quê mình có nhiều thuận lợi về diện tích đất, nguồn nước, nguồn thức ăn... đồng thời được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua Đoàn thanh niên xã nhận ủy thác, chị đầu tư nuôi lợn lửng, gà chọi và chăm sóc rừng cây gỗ lớn.

Có "của ăn của để" từ bán lợn, gà, chị trả hết nợ gốc, lãi và đầu tư nuôi thêm 2.000 con cá trê, 100 con gà cựa, vịt suối, đặc biệt là đầu tư mô hình “ếch trên, cá dưới” - nuôi ếch bằng lồng lưới trên mặt ao kết hợp nuôi cá dưới ao mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao.

Sau một thời gian “cắp cặp” đi học hỏi, tìm hiểu thực tế, chị quyết định nuôi thêm khoảng gần 5.000 con ếch trên ao nuôi cá của gia đình. Ba tháng nuôi là thu được ếch thương phẩm, chị xuất bán cho thương lái, liên kết với nhà hàng, quán ăn với giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg. Như vậy, nếu một năm nuôi từ 2-3 lứa ếch với đầu ra ổn định, trừ chi phí có thể thu lãi vài chục đến gần 100 triệu đồng - chị Nguyệt chia sẻ.

Ông Tăng Tiến Sỹ - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Sơn cho biết, các chương trình cho vay đã và đang phát huy hiệu quả. Theo đó, tín dụng chính sách đã “trợ lực” cho hàng trăm hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho lao động địa phương, giúp ổn định nơi ở cho rất nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác... Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 14,67%, cận nghèo 7,51%, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 16,75%. Huyện xóa hàng trăm nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao.

Ông Trần Khắc Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết, huyện Tân Sơn phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 3%/năm. Bởi vậy, thời gian tới, để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, huyện Thanh Sơn sẽ huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện giảm nghèo bền vững. Trong số đó, tập trung hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho các đối tượng thụ hưởng; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo cấp xã, khu dân cư...

Để tín dụng phát huy hiệu quả

Đến nay, sau gần 22 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội với sự vào cuộc của cấp ủy các cấp và cả hệ thống chính trị, tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đến nay, có gần 114.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng dư nợ hơn 6.100 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,14% tổng dư nợ; góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh xuống còn 4,44% năm 2023, giảm 0,75% so với năm 2022.

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách xã hội do đơn vị triển khai đã góp phần hoàn thành vượt kế hoạch giảm nghèo hằng năm của tỉnh. Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen trên địa bàn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên; giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng yêu cầu, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt, quan tâm gắn triển khai tín dụng chính sách với các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn.

Hằng năm, quan tâm bố trí một phần ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, tập trung quản trị, điều hành, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp và tổ chức có liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách. Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng lồng ghép có hiệu quả chương trình cho vay, thực hiện tốt nội dung ủy thác nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn…

Hiện nay, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn Phú Thọ đang triển khai 20 chương trình tín dụng; trong đó, phổ biến nhất là chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với số tiền vay chiếm tỷ lệ khoảng 45% tổng dư nợ của các chương trình.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Thọ Nguyễn Thanh Tĩnh, đơn vị sẽ tập trung xây dựng hoạt động tín dụng chính sách giai đoạn 2021 - 2030, phát triển theo hướng ổn định bền vững, đủ năng lực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; luôn bám sát chương trình, định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, đảm bảo đáp ứng 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội...

Toàn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm