Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum là tỉnh có hơn 55% người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhằm tạo điều kiện để người dân làm kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum đã triển khai rộng khắp Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Hiệu quả cho thấy, người dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum đã tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư vào xây dựng nhà ở, chuyển đổi nghề và sản xuất, hướng đến vươn lên thoát nghèo bền vững.

vna_potal_hieu_qua_cua_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gia_giam_ngheo_ben_vung_tai_kon_tum_7125151.jpg
Người dân tộc thiểu số tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Đa phần người dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum chủ yếu sống phụ thuộc vào nương rẫy nên còn nhiều thiếu thốn. Với bà con, ước mơ xây dựng được một ngôi nhà khang trang và có thu nhập ổn định là rất khó khăn. Thực hiện Nghị định số 28 của Chính phủ, năm 2023, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Kon Tum đã triển khai cho người dân vay vốn với mục đích hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề; đầu tư, phát triển vùng trồng dược liệu quý và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đối tượng được vay vốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, doanh nghiệp và các hợp tác xã sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các chương trình cho vay có lãi suất ưu đãi. Đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở trong 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc và thời hạn vay từ 10 - 15 năm.

Anh A Lê, làng Kon Hia 3, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông cho biết, từ khi lập gia đình vào năm 2018, anh sống trong căn nhà cũ ẩm thấp, dột nát. Vào mùa mưa, các con cái phải sinh hoạt trong không gian nhỏ hẹp. Năm 2023, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã cho gia đình vay 40 triệu đồng, anh bỏ thêm số tiền tương đương và nhờ bà con trong làng giúp thêm ngày công để xây dựng căn nhà hơn 60m2.

Anh A Lê vui mừng chia sẻ, giờ đây, căn nhà đã khang trang và sạch sẽ hơn trước, con cái có chỗ ăn học đàng hoàng. Cùng với diện tích mì (sắn) của gia đình, anh mong muốn được tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư vào trồng cây cà phê tăng thu nhập, hướng đến trả hết khoản nợ và thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh cho vay để xây dựng nhà ở, Ngân hàng Chính sách tỉnh Kon Tum còn thực hiện cho người dân vay vốn để chuyển đổi nghề và sản xuất. Đơn cử như hộ gia đình chị Y Loan, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô nhiều năm liền là hộ nghèo của xã. Năm 2023, chị đã vay hơn 100 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách của huyện để thực hiện chuyển đổi nghề từ trồng mì sang chăn nuôi gia súc. Với số tiền vay được, chị đã mua 1 con trâu và 5 con bò.

Chị Y Loan chia sẻ, nhờ vào những chính sách thiết thực của Chính phủ, cùng với việc hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương đã giúp chị có được cuộc sống đỡ vất vả hơn, không còn khó khăn nhiều như trước. Đến nay, đàn bò vừa đẻ thêm được 3 con khiến chị rất vui mừng.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Tô Nguyễn Văn Toàn cho biết, đơn vị đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan lập danh sách và rà soát kỹ đối tượng thụ hưởng để nguồn vốn được sử dụng đúng người, đúng mục đích. Trong năm 2023, đơn vị đã thực hiện cho vay và giải ngân toàn bộ 4 tỷ đồng theo định mức được giao. Bước đầu cho thấy, người dân được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách này, nhất là nội dung xây nhà mới và chuyển đổi nghề.

Từ năm 2022-2023, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Kon Tum đã triển khai cho vay được hơn 158 tỷ đồng, với 3.465 lượt khách hàng vay vốn. Sau một thời gian triển khai Nghị định 28 của Chính phủ, có thể thấy nguồn vốn vay đã tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại xã các xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum có vốn để xây dựng nhà ở, phát triển thêm nhiều loại hình sinh kế, tạo nguồn thu nhập, tạo đòn bẩy để thoát nghèo bền vững.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Chung cho biết: Qua kiểm tra, giám sát của các tổ chức chính trị nhận ủy thác và chính quyền địa phương thì các nguồn vốn được người dân sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Thời gian tới, Ngân hàng tiếp tục phối hợp với các địa phương nhằm tập trung rà soát, phê duyệt kịp thời các đối tượng thụ hưởng để làm cơ sở giải ngân nguồn vốn chính sách, đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân theo quy định.

Nghị định số 28 của Chính phủ chính được xem như là "phao cứu sinh" của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum nhờ có vốn để xây dựng nhà ở, chuyển đổi nghề, đầu tư sản xuất, kinh doanh, hướng đến thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục rà soát nhằm giải ngân kịp thời nguồn vốn đến người thụ hưởng; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Qua đó, hướng đến mục tiêu thay đổi bộ mặt kinh tế tại vùng dân tộc thiểu số, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo trên toàn tỉnh.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm