* Thần tốc xóa nghèo
Ia H’Drai được tách ra từ huyện Sa Thầy (Kon Tum). Huyện có diện tích hơn 98.000 ha với 3 xã gồm: Ia Dom, Ia Tơi và Ia Đal; dân số 11.600 người, trong đó 62% là người dân tộc thiểu số.Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là hơn 42%. Sau hơn 3 năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,9% và dự kiến năm 2024 chỉ còn hơn 1% theo tiêu chí mới. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền cùng người dân và doanh nghiệp địa phương trong thực hiện công tác xóa nghèo. Hiện số hộ nghèo chủ yếu là người mới vào định cư.
Để giúp những hộ mới định cư, chính quyền đã phối hợp với các công ty hỗ trợ, chăm lo đời sống cho người dân. Các công ty cao su trên địa bàn khi tuyển mới lao động đều bố trí, tạo điều kiện nơi ăn, chỗ ở ổn định cho công nhân; tổ chức đào tạo tay nghề cho người mới tuyển, trước khi bố trí việc làm. Cùng với đó, mỗi công nhân đều được nhận khoán vườn cây khai thác từ 4 - 5 ha, được cấp từ 500 - 1.000 mét vuông đất để định cư.
Ông Phạm Duy Vương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Chư Mom Ray cho biết, với công nhân mới, trong tháng đầu, công ty hỗ trợ tiền ăn, nhu yếu phẩm để đảm bảo đủ yêu cầu sinh hoạt. Nếu công nhân làm nhà, đơn vị sẽ cho vay 30 - 50 triệu đồng, trả góp trong 2 năm. Đồng thời, công ty giới thiệu đất tại vị trí quy hoạch để xây nhà. Cùng với thu nhập từ công ty bình quân hơn 9 triệu đồng/tháng, người lao động còn được tạo điều kiện tăng gia sản xuất tại các vị trí đất công ty không trồng cao su ở các bờ lô, ven suối để trồng lúa, trồng rau…
Chị Vi Thanh Tuần ( Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy) cho biết, chị từ Thanh Hóa vào đây làm việc. Được làm công nhân cao su, nguồn thu nhập của hai vợ chồng luôn ổn định khoảng 15 triệu đồng/tháng (lúc ban đầu). Cùng với đó, chính quyền đã hỗ trợ con giống như bê, lợn để hai vợ chồng phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình chị đang nuôi 17 con bò; sau Tết, sẽ nuôi thêm con hươu để lấy nhung. Giờ đây, cả nhà sẽ gắn bó với vùng quê mới của mình ở Ia H’Dai.
Sau gần 10 năm, những chính sách giúp đỡ của chính quyền và các công ty cao su đứng chân trên địa bàn đã tạo niềm tin, giúp người dân dân ổn định cuộc sống, an tâm bám trụ ở vùng đất mới. Theo anh Võ Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai, địa phương có thuận lợi khi người dân chủ yếu làm công nhân cho các công ty cao su, thu nhập đảm bảo. Người dân còn được cấp đất ở, đất sản xuất, tạo điều kiện tăng gia thêm ở các diện tích đất công ty không trồng cao su để tăng thu nhập. Để giúp dân có vốn phát triển kinh tế, huyện đã chủ động đi từng ngõ, gõ từng cửa; tìm, giúp dân tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia. Cùng với đó, người dân luôn ý thức trong việc nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo.
* Vững vàng vùng biên
Là huyện mới ở vùng biên, ngoài việc chăm lo phát triển sản xuất, chính quyền huyện Ia H’Drai xác định mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc ở vùng biên.Với hơn 79 km đường biên, Ia H’Drai giáp với huyện Tà Ven và Đun Mia (Rattanakiri, Vương quốc Campuchia). Dựa vào dân, vùng biên giới nơi đây luôn ổn định. Ở các thôn đều thành lập tổ tự quản, an ninh. Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Đal cho biết, lực lượng bảo vệ biên giới của Đồn Ia Đal thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng của huyện, xã, đặc biệt là tổ an ninh tự quản ở các thôn phát quang đường tuần tra, mốc giới, đảm bảo an ninh trật tự vùng biên. Người dân thường cung cấp thông tin về các hoạt động vi phạm chủ quyền biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, vượt biên và các hoạt động vi phạm khác để góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biên.
Các tổ tự quản, an ninh thôn, thành viên là các hộ gia đình, cá nhân thường xuyên làm ăn, sản xuất ở đường biên đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ an ninh biên giới. Nhiều vụ việc xảy ra ở biên giới như: xâm hại cột mốc, xâm canh, buôn lậu pháo, ma túy… đều được nhân dân phản ánh kịp thời và phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh hiệu quả. “Dân là “tai mắt” của chính quyền. Khi có vụ việc xảy ra ở đường biên, cột mốc, lực lượng chức năng luôn kịp thời nắm bắt được thông qua các kênh khác nhau, trong đó có là người dân. Nhờ vậy, việc bảo vệ đường biên, cột mốc, phòng, chống các hành vi như: xuất nhập cảnh trái phép, buôn bán hàng cấm, lậu… trên biên giới đều được ngăn chặn kịp thời. Những ngày qua, không khí Tết đã đến từng ngõ nhưng người dân ở huyện biên giới Ia H’Drai vẫn tích cực phối hợp với lực lượng chức năng thông tin, ngăn chặn buôn lậu, nhất là pháo nổ. Ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc đã thấm sâu vào tiềm thức mỗi người dân nơi đây. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào” - ông Võ Anh Tuấn khẳng định.
Nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền huyện Ia H’Drai trong việc giúp dân ổn định cuộc sống đã tạo niềm tin, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, tạo môi trường tốt để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân vùng biên.
Cao Nguyên