Ngày 29/9, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” tổ chức Hội thảo liên kết 4 nhà xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì hội thảo.
Hội thảo liên kết 4 nhà xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
* Đối mặt với các loại ô nhiễm
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề từ năm 2017 - 2020 có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), có 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước, tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.
Nước thải chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi lợn cũng rất đáng lo ngại. Theo tính toán của các nhà khoa học, chăn nuôi lợn thải bình quân ra môi trường khoảng 24 lít/con/ngày. Như vậy, Hà Nội cả năm có trên 422 triệu lít nước thải chăn nuôi lợn thải ra môi trường.
Nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư đô thị, ven đô và nông thôn đều chưa được xử lý đúng cách, nước thải từ các khu vệ sinh mới chỉ được xử lý sơ bộ tại các bể tự hoại, chất lượng chưa đạt yêu cầu xả ra môi trường.
Ngoài ra, việc phân loại rác thải, nhất là ở các làng nghề không được thực hiện mà được vận chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) hoặc Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) để xử lý cũng là nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm.
* Liên kết 4 nhà giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn Hà Nội
Theo kế hoạch của thành phố, đến cuối năm 2020, Hà Nội có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Về những làng quê, nông thôn Hà Nội hôm nay, không ai có thể phủ nhận sự thay đổi lớn trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn còn nhiều vướng mắc, hạn chế.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, nông thôn Hà Nội đang đối mặt với nhiều loại ô nhiễm. Đây là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân, đòi hỏi phải có giải pháp bền vững.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn Hà Nội ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có giải pháp thiết thực, hiệu quả, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá hội thảo lần này có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi nó liên quan đến nâng cao chất lượng đời sống người dân, được nhân dân và dư luận đặc biệt quan tâm. Hội thảo có sự chuẩn bị bài bản, khoa học của các sở, ban, ngành, đơn vị.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng với các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân tham dự hội thảo.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Thành ủy Hà Nội đang phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học triển khai Chương trình 02 trong giai đoạn tới, những nội dung tham luận tại hội thảo sẽ được chọn lọc để đưa vào đề tài.
Trước khi hội thảo, các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu những thành tựu nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong xử lý môi trường được triển khai tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng mong muốn, các doanh nghiệp phát huy vai trò hỗ trợ sản xuất, thu mua nông sản cho nông dân.
Thông qua đại diện các nhà sản xuất, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tìm hiểu thực trạng vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các mô hình hay trong bảo vệ môi trường và giới thiệu đến các địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị người nông dân cần nghiên cứu, áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, tiến bộ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vừa đảm bảo chất lượng, năng suất và bảo vệ môi trường.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng mong muốn các doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải cho khu vực nông thôn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các nhà khoa học cần chủ động bám sát hơn nữa cơ sở, nghiên cứu thực tiễn tình hình sản xuất của từng địa phương, từng khu vực để xây dựng các đề án, mô hình hay, có tính lan tỏa, tính thực tiễn cao và đặc biệt phải thân thiện với môi trường.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng mong muốn các doanh nghiệp phải thực sự là “đầu tàu”, giữ vai trò quan trọng liên kết 3 nhà còn lại.
Qua hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của Thành ủy Hà Nội trong giai đoạn tới và giải quyết vấn đề môi trường sẽ tiếp tục được thực hiện căn cơ hơn để nâng cao đời sống nông dân, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp…
Thực hiện: Hoàng Thắng, Hoàng Hà