Gia Lai: Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững

Ở Gia Lai, không ít những vườn cây đang dần “quay lưng” với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, từng bước hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững. Hướng đi này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy tiến trình xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP có chất lượng, thương hiệu.

vna_potal_gia_lai_huong_den_nen_nong_nghiep_huu_co_ben_vung_7171591.jpg
Sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ tại huyện Ia Grai (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Xuất phát từ niềm đam mê một nền nông nghiệp sạch, thầy giáo dạy văn Bùi Văn Dương đã thành công với sản phẩm chế phẩm sinh học hữu cơ, phục vụ những vườn cây. Lấy cùng lúc 2 bằng đại học ngành Sư phạm văn, cử nhân kinh tế và ngành học không hề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nhưng ông Bùi Văn Dương (37 tuổi, trú làng Ngó 3, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai) lại rất thành công bên những vườn cây trái trong vùng.

Không thể bén duyên với nghề giáo viên, năm 2019, ông Dương quyết định đầu tư trồng cà phê như bao người dân trong vùng. Ban đầu, chế độ chăm sóc vườn cây cứ theo truyền thống như mọi người vẫn làm, cụ thể là chỉ chăm sóc bằng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Theo ông Dương, thời gian đầu, cây có vẻ sinh trưởng và phát triển tốt. Đó cũng là thời điểm giá cà phê đang đạt đỉnh, theo đó bà con tăng cường bón phân vô cơ. Nhưng một thời gian sau đó, do phải “ăn” quá nhiều hóa chất nên vườn cây bắt đầu đi xuống.

Xác định gắn bó lâu dài với vườn cây, ông Dương đã tự tìm tòi phương pháp cứu những vườn cà phê, sầu riêng đang bị ‘ngộ độc”, mà cách duy nhất là phải thay đổi thói quen canh tác, từ vô cơ chuyển sang hữu cơ. Qua quá trình tự học hỏi, thử nghiệm trên chính vườn cây của mình, ông Dương nhận thấy quá trình sản xuất phân bón hữu cơ không khó, thậm chí bất kể ai cũng có thể làm được.

Với các nguyên liệu cơ bản như đạm cá, đạm đậu nành, đạm trứng, các dòng kali hữu cơ, lân hữu cơ... Sau đó, ủ trong những chiếc thùng phuy lớn một thời gian nhất định là có thể đem ra sử dụng. Phân bón hữu cơ dạng này có thể bón, phun, tưới cho cây trồng, hoặc làm thức ăn cho cá. Với cây trồng, phân bón được cho vào hệ thống tưới tiết kiệm, từ đây nước đi đến đâu, phân bón theo đến đó, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.

“Theo tính toán, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh dạng này tiết kiệm từ 30- 50% chi phí so với dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt ở những thời điểm giá phân bón hóa học lên cao thì còn tiết kiệm được nhiều hơn nữa” - ông Dương chia sẻ. Bên cạnh đó, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh còn góp phần cải thiện được môi trường đất, môi trường nước, tạo điều kiện phát triển các vi sinh vật có lợi, từ đó khống chế được bệnh tật trên những vườn cây...

Việc thay đổi thói quen trong sản xuất nông nghiệp ở Gia Lai nói riêng và ngành nông nghiệp cả nước nói chung không thể một sớm một chiều. Tuy nhiên, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “dám nghĩ dám làm” như cá nhân ông Bùi Văn Dương đã và đang hình thành nên một nền nông nghiệp “sạch”.

Với việc vừa sản xuất phân bón hữu cơ và áp dụng vào vườn cây của chính mình. Thành quả mang lại chính đã giải bài toán tuyên truyền cho người dân thay đổi phương thức canh tác. Bây giờ, phong trào sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh của ông Dương không còn xa lạ với bà con trong xã, thậm chí đã lan tỏa ra nhiều vùng trong huyện. Theo ông Dương thì khó thống kê được nhưng có không dưới 1.000 hộ nông dân trong huyện đã thành công khi áp dụng công nghệ sản xuất và sử dụng dòng phân bón hữu cơ vi sinh này.

Đơn cử như vườn cây 2,5 ha cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Trường ở thôn 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh. Cũng như những vườn cà phê khác trong vùng, vườn của ông Trường cũng sử dụng phân bón hóa học ngay từ đầu. Sau thời gian ngắn khai thác, vườn cây nhanh tàn, năng suất giảm rõ rệt. Sau khi đến tham quan, học hỏi phương pháp canh tác của ông Dương, gia đình về áp dụng vào vườn cây của mình.

Khi sử dụng chế phẩm phân bón hữu cơ vi sinh, ngoài tiết kiệm được chi phí và công chăm sóc, ngoài việc thân thiện với môi trường thì đối với vườn cây, hiệu quả là rất cao. Nếu sử dụng phân bón hóa học thì mỗi năm phải 4 lần bón phân, 4 lần làm cành chồi. Còn sử dụng phân bón hữu cơ thì mỗi năm bón phân 5 lần (1 lần mùa khô và 4 lần vào mùa mưa), nhưng chỉ làm cành chồi 2 lần mỗi năm, tiết kiệm được một nửa thời gian làm cành chồi.

Dùng phân bón hữu cơ, vườn cây được xanh tốt quanh năm, không có hiện tượng mất cành, mất tán. Do vậy, năm nào cũng duy trì được năng suất và sản lượng. Đặc biệt quả cà phê to, mọng và đảm bảo sạch- ông rường chia sẻ thêm.

Không chỉ áp dụng vào vườn cà phê, các chế phẩm sinh học của ông Dương cũng rất hiệu nghiệm trên các vườn sầu riêng, nhãn... Hiện, gia đình đang áp dựng phương pháp sử dụng phân bón hữu cơ trên 500 cây sầu riêng, gần 500 cây nhãn hương chi.

Theo ông Dương, bên cạnh niềm vui với các vườn cây xanh mướt, việc bà con đã tiếp nhận được phương pháp tự sản xuất các dạng phân bón hữu cơ vi sinh tự phục vụ cho vườn cây của gia đình cho thấy thành quả của mình đã mang lại nhiều ích lợi cho nền nông nghiệp tại địa phương.

Ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh chia sẻ, địa phương đã có chủ trương từ lâu thông qua các đề án phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao với các tiêu chí như truy xuất nguồn gốc, đảm bảo môi trường, tưới tiết kiệm, sử dụng thiên địch để khống chế các loại sâu bệnh gây hại trên cây trồng. Với các loại cây ăn trái, huyện khuyến khích bà con sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh thân thiện với môi trường, đảm bảo một nền nông nghiệp sạch.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm