Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng, hướng đến phát triển nền nông nghiệp có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường.
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4.800 ha tại 71 xã, phường, thị trấn; mô hình hữu cơ trên cây ba kích với và liên kết sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng theo hướng hữu cơ trên diện tích 4 ha tại huyện Tam Đảo; mô hình trồng nho Hạ đen tại huyện Yên Lạc và Bình Xuyên. Nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ cũng đã được hình thành như: cùng trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ tại huyện Lập Thạch; vùng trồng rau su su theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Đảo; vùng trồng lúa gạo theo hướng hữu cơ tại các huyện: Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Dương; chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại các huyện: Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch và Yên Lạc…
Để tiếp thêm động lực, tạo sức lan tỏa phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai đề án "Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 - 2025".
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai 6 mô hình sản xuất cây ăn quả hữu cơ ở các xã Vân Trục, Xuân Hòa (huyện Lập Thạch), xã Hồng Châu (huyện Yên Lạc), xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường), xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô), xã Bồ Lý (huyện Tam Đảo); 4 mô hình sản xuất cây dược liệu hữu cơ ở xã Tam Quan (huyện Tam Đảo), Thái Hòa, Bắc Bình (huyện Lập Thạch). Đồng thời, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 200 ha sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ; hỗ trợ 400 ha sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ; hỗ trợ mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ tại xã Lãng Công (huyện Sông Lô); hỗ trợ mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ quy mô 1.000 con tại Tổ dân phố Đại Lợi, phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên.
Đồng thời, tổ chức 16 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy trình kỹ thuật sản xuất trồng trọt hữu cơ và theo hướng hữu cơ; các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho 1.100 lượt người tham gia là cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các hộ nông dân.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế cao, tăng từ 10 - 20% so với sản xuất thông thường, mà còn cải tạo đất tốt hơn. Qua đó, giúp nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường nông thôn.
Trong năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến sẽ dành hơn 47 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 9,4 tỷ đồng để xây dựng các mô hình điểm và hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương rà soát, lựa chọn cơ sở sản xuất tham gia mô hình là các đơn vị, tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư, điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, có khả năng tổ chức và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Nguyễn Thảo