An Giang xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ tăng thu nhập cho nông dân

An Giang xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ tăng thu nhập cho nông dân

UBND tỉnh An Giang vừa có Quyết định số 2107/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch "Vùng sản xuất, chế biến thốt nốt theo hướng hữu cơ đến năm 2025 định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh với mục tiêu hình thành vùng sản xuất thốt nốt theo hướng hữu cơ và phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ của tỉnh, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho nông dân huyện biên giới Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên.

An Giang xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ tăng thu nhập cho nông dân ảnh 1Cây thốt nốt ở huyện biên giới Tri Tôn, An Giang. Ảnh: Thanh Sang -TTXVN.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2024 - 2025, An Giang sẽ hình thành và phát triển tối thiểu 1 chuỗi sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận; tỷ lệ sản phẩm thốt nốt hữu cơ đạt 1 - 2% trên tổng sản phẩm của toàn tỉnh. Lợi nhuận thu được từ thốt nốt, sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ bằng hoặc cao hơn so với tập quán thông thường từ 0,5 đến 1 lần.

Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh hình thành mới tối thiểu 1 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận; tỷ lệ sản phẩm thốt nốt hữu cơ đạt 3% trên tổng sản phẩm của toàn tỉnh. Lợi nhuận thu được từ thốt nốt, sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ bằng hoặc cao hơn so với tập quán thông thường từ 1,5 đến 2 lần.

An Giang xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ tăng thu nhập cho nông dân ảnh 2Cây thốt nốt ở huyện biên giới Tri Tôn, An Giang. Ảnh: Thanh Sang -TTXVN.

Đến năm 2025 số lượng cây thốt nốt được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt từ 200 cây trên 40 năm tuổi; trong đó huyện Tri Tôn 100 cây và thị xã Tịnh Biên 100 cây. Đến năm 2030 số lượng cây thốt nốt được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt 500 cây, huyện Tri Tôn 200 cây và thị xã Tịnh Biên 300 cây. Các sản phẩm từ các mô hình sản xuất hữu cơ được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ 80% năm 2025 và 100% vào năm 2030.

Để triển khai kế hoạch thành công, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh sẽ tổ chức tập huấn cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp kiến thức về sản xuất, sơ chế, chế biến đường thốt nốt hữu cơ về an toàn thực phẩm, quy định liên quan về an toàn thực phẩm đối với sơ chế, chế biến thốt nốt hữu cơ. Nâng cao năng lực cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác về kỹ thuật sản xuất thốt nốt hữu cơ; giúp nông dân nâng cao nhận thức về sản xuất thốt nốt hữu cơ, mạnh dạn chuyển đổi sản xuất và nhân rộng mô hình.

An Giang xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ tăng thu nhập cho nông dân ảnh 3Cây thốt nốt ở huyện biên giới Tri Tôn, An Giang. Ảnh: Thanh Sang -TTXVN.

"An Giang cũng xây dựng thí điểm mô hình sản xuất thốt nốt hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp; hướng dẫn nông dân, hộ, cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác về sản xuất, khai thác mật thốt nốt và chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ. Chuyển đổi vùng trồng lúa và cây trồng xen canh vùng trồng thốt nốt sang sản xuất hữu cơ không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; gắn kết vùng nguyên liệu sản xuất hữu cơ với doanh nghiệp chế biến thốt nốt hữu cơ", bà Thúy cho biết.

Bên cạnh đó, An Giang sẽ hình thành mới các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia vùng nguyên liệu thốt nốt hữu cơ có liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức nông dân, người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào phát triển sản xuất thốt nốt.

An Giang xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ tăng thu nhập cho nông dân ảnh 4Cây thốt nốt ở huyện biên giới Tri Tôn, An Giang. Ảnh: Thanh Sang -TTXVN

Tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường đối với sản phẩm thốt nốt hữu cơ; hỗ trợ, tạo điều kiện để các đơn vị, cá nhân thực hiện quy trình thủ tục chứng nhận các sản phẩm thốt nốt theo các tiêu chuẩn hữu cơ; định hướng thị trường tiêu thụ từng sản phẩm thốt nốt hữu cơ, từ đó có giải pháp, qui trình thực hiện cho đúng theo thị trường xuất khẩu yêu cầu.

Để triển khai kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan đẩy mạnh mời gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư và bố trí nguồn lực thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư thốt nốt vào hữu cơ; mời gọi doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm thốt nốt hữu cơ; mời gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết, tiêu thụ sản phẩm thốt nốt hữu cơ.

An Giang xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ tăng thu nhập cho nông dân ảnh 5Cây thốt nốt ở huyện biên giới Tri Tôn, An Giang. Ảnh: Thanh Sang -TTXVN

Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến thương mại cho các sản phẩm hữu cơ; trong đó, có sản phẩm thốt nốt hữu cơ; phối hợp, hỗ trợ tuyên truyền vận động nông dân tham gia sản xuất thốt nốt hữu cơ và thực hiện các hoạt động tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, hội thảo nhân rộng mô hình...

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm