Đồng Tháp nâng cao giá trị sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Đồng Tháp nâng cao giá trị sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh Đồng Tháp góp phần thay đổi thói quen sử dụng phân bó hóa học sang phân bón hữu cơ, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, giá cao, dễ xuất khẩu, giúp tăng lợi nhuận, giá trị sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Đồng Tháp nâng cao giá trị sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ảnh 1Canh tác thủy canh rau màu hiện đại tại Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN

Tại Đồng Tháp, phát triển nông nghiệp hữu cơ được triển khai thực hiện tại 20 trường học của 12 huyện/thành phố, xây dựng 20/20 nhà che trồng rau hữu cơ với diện tích 7.868 m2 tại các điểm trường từ nguồn kinh phí hỗ trợ 100% của Tổ chức Seed To Table.

Các xã, phường, thị trấn thành lập được 7 nhóm nông dân sản xuất rau hữu cơ với 17 hộ tham gia, diện tích 28.213 m2. Theo đó, cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam cho 4 nhóm nông dân với diện tích 6.513 m2. Cụ thể, tại huyện Thanh Bình có Nhóm Phú Mỹ (thị trấn Thanh Bình), Nhóm Tân Hội (xã Tân Bình) với diện tích 3.100 m2, sản lượng trung bình 1.200 - 1.500 kg rau các loại/tháng.

Huyện Hồng Ngự có Nhóm Long Thuận (xã Long Thuận), Nhóm Phú Thuận A (xã Phú Thuận A) với diện tích 3.413 m2, sản lượng trung bình 1.400 - 1.700 kg rau các loại/tháng. Theo đó, Nhóm Phú Mỹ, Nhóm Tân Hội, Nhóm Phú Thuận A và Nhóm Long Thuận đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ với Công ty TNHH Xã hội Công dân Chuyên nghiệp (ProCiFood) với giá 20.000 đồng/kg.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản hữu cơ; đồng thời, hỗ trợ nông dân tham gia Dự án Seed To Table tiêu thụ nông sản tại địa phương, hạn chế tình trạng hao hụt và chi phí vận chuyển khi gửi nông sản tiêu thụ xa, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Qua đó, góp phần giúp người tiêu dùng tại tỉnh Đồng Tháp có cơ hội tiếp cận, sử dụng nông sản hữu cơ để bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, sản lượng nông sản của Tổ chức Seed To Table triển khai thực hiện cho sản lượng từ 4.800 - 5.100 kg/tháng với hơn 40 chủng loại rau. Đối với sản xuất lúa hữu cơ, hiệu quả của mô hình sản xuất lúa hữu cơ tạo thương hiệu gạo sạch trên đất Sen Hồng, đang phát triển mạnh ở các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Tháp Mười…

Điển hình là mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ, huyện Tam Nông sản xuất lúa hữu cơ được 71 ha, được Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ.

Ông Phan Hoàng Em - Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thọ cho biết, qua 2 vụ thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ, trong vụ lúa Hè Thu 2021 năng suất đạt từ 6,3 - 6,7 tấn/ha; vụ Đông Xuân 2021 - 2022 cho năng suất 8 tấn/ha. Năng suất tăng bình quân 10 - 15% so với phương thức sản xuất bình thường.

Áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, giúp cây phát triển tốt, cứng rễ, ít sâu bệnh, trổ bông đồng loạt. Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm giúp các chủng vi sinh vật có lợi đi vào trong đất, phân hủy gốc rạ, phân hủy các tồn dư phân bón, các lớp đất xấu...

Qua đó, giúp cải thiện môi trường đất, tạo ra tầng đất tơi xốp giúp cây lúa phát triển, giúp bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, tạo thương hiệu gạo sạch, an toàn và được tiêu thụ với giá cao.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Tam Nông được Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm cung cấp vật tư đầu vào như: các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học... và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của mô hình. Từ đó, giúp người nông dân yên tâm sản xuất.

Mô hình đã chứng minh được hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn đối với sức khỏe người sản xuất; sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trong quá trình canh tác lúa, từ chủng vi sinh vật có lợi sẽ đi vào trong đất hoạt hóa, phân hủy gốc rạ, phân hủy tồn dư phân bón, lớp đất xấu… giúp cải thiện môi trường đất, tạo ra tầng đất tơi xốp là môi trường thuận lợi cho các loại động vật có lợi phát triển.

Tại huyện Tháp Mười, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, huyện Tháp Mười đã triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại cánh đồng sản xuất lúa lý tưởng (xã Thạnh Lợi). Mô hình giúp nông dân nắm bắt được các khâu quan trọng trong quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ. Đặc biệt, sử dụng phân hữu cơ vào canh tác lúa, giúp lúa đẻ nhánh tốt, bộ rễ ăn sâu, ít đổ ngã..., giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập.

Sản xuất theo mô hình, nông dân bón phân theo phương pháp phân vùi; áp dụng qui trình quản lý dịch tổng hợp IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nên chi phí thuốc bảo vệ thực vật đều giảm so với sản xuất truyền thống, năng suất đạt 6 tấn/ha (tương đương với ruộng đối chứng). Khi áp dụng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nông dân sẽ thu được lợi nhuận cao hơn so với ruộng đối chứng là 1.208.000 đồng/ha.

Theo ông Lê Văn Chấn - Phó chi cục trưởng, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp cho biết, năm nay, tỉnh sản xuất hơn 504 ngàn ha lúa, 32 ngàn ha hoa màu và hơn 40 ngàn ha cây ăn trái, sử dụng phân bón từ 240-250 ngàn tấn/năm; trong đó,lúa sử dụng phân bón hữu cơ 3%; hoa màu, cây ăn trái sử dụng phân hữu cơ từ 6-7%. Mô hình sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ giúp đất tơi xốp, giử độ ẩm, giúp đất dễ thoát nước, tăng cường vi sinh vật có lợi, giảm độc chất, giúp phát triển thân, lá; chất lượng nông sản tăng cao.

Điển hình mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông với diện tích 1,8 ha, năng suất 3,4 tấn/ha cho hiệu quả cao là chất lượng hạt gạo dẻo, dai, thơm ngon và bán giá cao hơn lúa thường từ 3-4 nghìn đồng/kg.
Sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ ở xã Bình Thành, huyện Lấp Vò với diện tích 3 ha, sử dụng phân bó hữu cơ 62 kg/ha, giảm hơn 50% so với phân bón vô cơ. Giá phân bón hữu cơ thấp hơn 477 đồng/kg so với vô cơ và lợi nhuận hơn 55 triệu đồng/ha, cao hơn 1,4 triệu đồng/ha so với phân bón vô cơ.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ đang là hướng đi giúp nông dân giải quyết bài toán thị trường, nâng cao giá thành sản phẩm, mở hướng làm giàu bền vững, từng bước giúp nông dân, hợp tác xã chuyển đổi từ tập quán canh tác cũ sang sản xuất lúa hữu cơ. Sản xuất lúa hữu cơ giúp nâng cao giá trị hạt gạo của Đồng Tháp, góp phần giảm giá thành sản xuất, đáp ứng theo nhu cầu thị trường xuất khẩu...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2025, triển khai thực hành sản xuất hữu cơ, hằng năm tăng 1% diện tích sản xuất theo mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm