Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, trong vụ thu hoạch cà phê năm 2022, năng suất, chất lượng và giá thu mua cà phê đều tăng nên nguồn thu của bà con nông dân cũng tăng cao. Tuy nhiên, do giá phân bón, nguyên liệu đầu vào cũng tăng từ 30 – 40% tùy loại, nên lợi nhuận từ cà phê cũng không cao. Vì vậy, phương thức sản xuất cà phê hữu cơ đã giúp bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tiết giảm được chi phí, nhờ đó năng cao lợi nhuận cho dòng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Đăk Hà được xem là “vựa” cà phê của tỉnh Kon Tum, khi có tới gần 11.000 ha đang cho thu hoạch trong tổng số trên 24.500 ha cà phê đang thu hoạch của cả tỉnh. Vụ thu hoạch năm 2022, năng suất cà phê của Đăk Hà cũng ở mức cao nhất, khi đạt bình quân 3,5 tấn/ha.
Ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết, năm 2022, thời tiết thuận lợi nên sản lượng cà phê của huyện tăng từ 10% – 25% so với vụ năm 2021. Sản lượng cà phê nhân trung bình đạt 3,5 tấn/ha, cá biệt có những vùng đạt 4,5 – 5 tấn/ha, cà phê tươi bình quân thu 18 – 22 tấn/ha. Tuy nhiên, do giá phân bón và nguyên vật tăng cao, có loại tăng gần gấp đôi, thậm chí tăng gần 2,5 lần, nên một số nông dân đầu tư mạnh dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao.
Đơn cử, tại Hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) có khoảng 300 ha cà phê của các thành viên liên kết. Vụ thu hoạch năm 2022, sản lượng cà phê của Hợp tác xã đạt trên 4 tấn nhân/ha, tăng khoảng 20% so với vụ trước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung, năm 2022, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã tăng cao từ 30 – 40%, có loại phân năm trước chỉ 1,3 triệu/tạ, nhưng năm nay đã tăng lên 2 triệu/tạ nên chi phí sản xuất cũng tăng cao.
“Như mọi năm, lợi nhuận trung bình sẽ đạt 50 – 55 triệu/ha. Vụ năm nay sản lượng có tăng, giá cũng cao hơn nhưng chi phí lớn như thế này, nếu nhân công thu hái cũng tăng cao thì lợi nhuận sẽ giảm, không được như trước nữa”, ông Nguyễn Tri Sáu nói.
Trước thực trạng giá phân bón, chi phí sản xuất tăng cao, một số Hợp tác xã, bà con nông dân tại Đăk Hà đã áp dụng các phương pháp sản xuất hữu cơ, sản xuất cà phê chất lượng cao để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất. Qua đó, nâng cao giá trị, lợi nhuận trên một đơn vị diện tích cho cà phê.
Hợp tác xã Công Bằng Pô Kô hiện có 109 thành viên, với tổng diện tích gần 180 ha cà phê. Ở vụ sản xuất năm 2022, Hợp tác xã đã chủ động tổ chức các chương trình tập huấn cho bà con xã viên cách tự làm phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ từ những loại phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê để bón cho cây. Nhờ đó, tiết giảm được chi phí sản xuất. Với sản lượng tăng từ 15 – 20%, lợi nhuận của bà con xã viên cũng được tăng lên so với việc sử dụng phân bón hóa học.
Bên cạnh tạo ra phân bón hữu cơ, Hợp tác xã Công Bằng Pô Kô cũng hướng đến việc sản xuất cà phê chất lượng cao, với tỉ lệ cà phê thu hái chín đạt từ 90 – 95%. Bà Phạm Thị Huyền Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho biết, do năm 2022, lượng quả chín không đồng đều nên số lượng cà phê chất lượng cao chỉ đạt khoảng 30% tổng diện tích của đơn vị.
“Các xã viên trồng cà phê sẽ chủ động thu hái các quả cà phê chín trước, giữ lại quả cà phê xanh để đạt tỉ lệ cà phê chín cao. Đối với cà phê chất lượng cao, Hợp tác xã sẽ thu mua với giá cao hơn gần 30% so với cà phê thông thường, giúp tăng lợi nhuận cho người nông dân”, bà Huyền Anh phân tích.
Tương tự, Cánh đồng lớn sản xuất Cà phê ứng dụng Công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Cà phê 704, huyện Đăk Hà được xây dựng từ năm 2017 có quy mô 78 ha. Đến nay, diện tích cà phê này bắt đầu cho thu hoạch ổn định. Để hướng tới mục tiêu đạt năng suất từ 5 – 7 tấn cà phê nhân xô/ha, bên cạnh ứng dụng công nghệ cao vào quy trình chăm sóc, thu hái, sơ chế sản phẩm cà phê, việc đảm bảo tỷ lệ thu hái quả chín đạt trên 95% đã được đơn vị thực hiện với các hộ dân nhận khoán chăm sóc và thu hái.
“Trước mình làm chưa có kinh nghiệm nên mình hái sớm, có khi quả còn chưa chín hết. Bây giờ thực hiện chủ trương xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” thì đợi cho quả chín đủ từ 90 – 95% mới tiến hành thu hái theo lịch của công ty. Thứ nhất là quả chín thì nặng hơn thu hái xanh, đạt sản lượng hơn. Thứ hai là chất lượng nhân nhân cũng đảm bảo hơn, cà phê bán được giá hơn”, anh A Bên – gia đình nhận khoán chăm sóc và thu hái cà phê – chia sẻ.
Ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết, từ năm 2017, Ủy ban nhân dân huyện đã có chủ trương xuất khẩu cà phê ra khỏi huyện là cà phê nhân, để nâng cao giá trị cà phê cũng như khuyến khích bà con tận dụng vỏ cà phê làm phân bón hữu cơ. Vỏ cà phê kết hợp cùng phân chuồng sẽ giúp đất tơi xốp hơn, cải tạo được đất. Thời gian ủ từ cuối vụ cà phê của năm, khi bắt đầu mùa mưa năm sau sẽ bón cho cây. Trong bối cảnh giá phân bón hóa học tăng cao, việc sử dụng phân bón hữu cơ sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí cho người nông dân.
“Riêng đối với việc xây dựng thương hiệu cà phê, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện cũng đã có chỉ thị, văn bản khuyến khích, yêu cầu người dân hái cà phê đạt tỉ lệ quả chín trên 95%; đồng thời khuyến khích các Hợp tác xã chế biến sâu. Khi tỉ lệ quả chín cao, sản lượng cà phê tươi sẽ tăng từ 1 – 2 tấn/ha, chất lượng cà phê cũng tốt hơn rất nhiều. Điều này không chỉ tăng giá trị sản xuất cho bà con nông dân trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” của tỉnh Kon Tum”, ông Ngô Hồng Hưng khẳng định.
Với sản lượng trên 67.500 tấn cà phê nhân của vụ 2022, và tiếp tục tăng trong những tiếp theo, Kon Tum đang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng cà phê. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị cà phê của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục đưa cà phê trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng tầm cà phê Đăk Hà, cà phê Kon Tum nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Dư Toán