Sản xuất hữu cơ đang là hướng phát triển của nhiều địa phương để hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Cùng chung xu thế đó, những mô hình nông nghiệp hữu cơ đã dần hình thành trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trong số đó, phải kể đến Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Long Thuận ở huyện biên giới Hồng Ngự với mô hình canh tác rau hữu cơ. Nhiều nông dân tận dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương để ủ, làm phân hữu cơ bón cho rau màu.
Sau nhiều năm chủ yếu sử dụng phân bón hóa học hoặc phân bón hữu cơ mua từ các công ty, gần đây, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Long Thuận đã vận động, hướng dẫn nông dân tự ủ những mẻ phân hữu cơ để phục vụ việc canh tác rau màu. Điều này giúp thành viên của Hợp tác xã tiết kiệm một phần chi phí vật tư nông nghiệp, tăng dần tỷ lệ phân hữu cơ tự sản xuất, giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Đây là hướng đi, cũng là cách để Hợp tác xã dần thoát khỏi vòng xoáy biến động giả cả thị trường vật tư nông nghiệp.
Ông Dương Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Long Thuận cho biết, nông dân tận dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương để ủ phân hữu cơ như rơm, lục bình, các loại cỏ, phân bò và chế phẩm trichoderma. Mỗi mẻ phân hữu cơ ủ từ 3 - 4 tháng là có thể đem bón cho cây trồng, thay thế phân hóa học.
Phân hữu cơ tự làm như hiện nay có ưu điểm là giá thành thấp, nguyên liệu dễ tìm; có tác dụng cải tạo đất, giúp đất tơi xốp và dần dần trả lại nguyên trạng ban đầu; cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Cùng với đó, rau màu được bón phân hữu cơ sẽ cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn; bán được giá cao hơn từ 10 - 20% so với canh tác theo lối truyền thống.
Trước đây, cũng như nhiều nông dân khác ở địa phương, ông Nguyễn Văn Minh ngụ xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự thường sử dụng phân hóa học hoặc mua phân hữu cơ từ các công ty để bón cho 1.000m2 đất trồng các loại đậu như đậu que, đậu đũa, đậu bắp… Hơn 1 năm nay, được Hợp tác xã tuyên truyền, vận động, ông Minh đã tự ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng, mang lại hiệu quả.
“Trung bình cứ khoảng 3 tháng là tôi ủ một mẻ phân từ 1,2 - 1,5 tấn để sử dụng cho 1.000m2 đất đang canh tác. Vụ đầu tiên bón phân hữu cơ, cây chậm phát triển hơn phân hóa học nhưng có tác dụng cải tạo đất rất tốt. Qua vụ thứ hai, cây phát triển tốt, lá xanh mướt, ít sâu bệnh. Vì thế, tôi tiếp tục dùng phân hữu cơ cho các vụ sau” - ông Nguyễn Văn Minh cho hay.
Sau khi tham gia hợp tác xã, 2.000m2 đất trồng rau màu của nông dân Nguyễn Hồng Dũng ở xã Long Thuận đã hạn chế thấp nhất lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học sử dụng. Anh Dũng cho biết, từ công đoạn làm đất, gieo hạt, tưới nước, xử lý cỏ dại, thu hoạch… đều giảm tối đa sự can thiệp của các chất hóa học độc hại.
Anh dùng tỏi, ớt, gừng xay nhuyễn, ngâm với nước và rượu rồi phun xịt dung dịch này lên rau màu để phòng trị sâu bệnh. Anh tự ủ và sử dụng phân hữu cơ để thay thế phân hóa học. Nhờ đó, giảm chi phí đầu tư, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, giá bán cao hơn giá thị trường trung bình 5.000 đồng/kg.
Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Long Thuận được thành lập năm 2013 và hiện nay, có hơn 80 thành viên, 160 ha đất sản xuất với lượng phân hữu cơ sử dụng trong canh tác chiếm từ 40 - 50%. Đây là một trong những vùng trồng tiên phong tại Đồng Tháp sản xuất hữu cơ, vượt qua những khó khăn bước đầu, phương pháp sản xuất rau màu hữu cơ đang dần khẳng định hiệu quả, tạo được lòng tin và thu hút nông dân tham gia.
Theo Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Long Thuận Dương Minh Sang, thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục khuyến cáo xã viên thực hiện mô hình ủ và sử dụng phân hữu cơ. Đồng thời, tuyên truyền để bà con nông dân trong xã Long Thuận hiểu về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tác dụng của phân hữu cơ đối với môi trường, cây trồng, biết cách làm và sử dụng phân hữu cơ trong canh tác. Qua đó, giúp thay đổi truyền thống sử dụng phân hóa học của nông dân.
Những năm gần đây, giá vật tư nông nghiệp thường xuyên biến động theo hướng tăng lên. Trước sức ép lớn về giá phân bón tăng cao và duy trì trong thời gian dài, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ có lẽ là phương pháp tối ưu nhất hiện nay, góp phần giúp nông dân giải được “bài toán” vừa giảm chi phí, tăng lợi nhuận, vừa đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Nhựt An