Ngày 30/4, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra Lễ trao giải hội thi bình chọn sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hội thi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức. Kết quả, có 23 sản phẩm OCOP đạt Chứng nhận sản phẩm tiêu biểu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tham gia hội thi có đại diện của 51 sản phẩm tiêu biểu từ các doanh nghiệp thuộc 12 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Cà Mau không tham gia). Các sản phẩm dự thi là những nhóm sản phẩm tiêu tiểu của từng địa phương và đã được cấp chứng nhận OCOP đạt chuẩn từ 4 sao trở lên.
Sản phẩm OCOP tham gia hội thi thuộc các nhóm ngành hàng như: nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; nhóm thực phẩm, nhóm đồ uống, nhóm thảo dược.
Hội thi đánh giá, tuyển chọn các sản phẩm căn cứ vào những tiêu chí cụ thể như: đánh giá theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tính đặc trưng, tiêu biểu của sản phẩm, yếu tố cộng đồng và câu chuyện sản phẩm; chất lượng bao bì, mẫu mã sản phẩm (tính độc đáo, sáng tạo bao bì sản phẩm, thân thiện với môi trường).
Căn cứ vào tiêu chí đánh giá, Ban giám khảo đã lựa chọn được 23 sản phẩm OCOP dự thi đạt Chứng nhận sản phẩm tiêu biểu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, có 21 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 2 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống. Đó là những sản phẩm như: xoài sấy dẻo, hạt sen sấy, trà sen Dotha Lotus thượng hạng (Đồng Tháp); tổ yến sơ chế, muối hạt (Bạc Liêu); cá thát lát rút xương tẩm gia vị (Hậu Giang); mật hoa dừa, dừa sáp sợi (Trà Vinh); đường thốt nốt, tương hột (An Giang)…
Bà Nguyễn Lê Tuyết Dung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ yến sào Hi-Nest (tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ, sản phẩm tổ yến sơ chế của công ty được công nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là động lực để công ty tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thời gian tới. Công ty xác định muốn đi xa phải có cách đi khác biệt nên lựa chọn thị trường khó tính đối với mặt hàng yến sào là Hàn Quốc. Năm 2020, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu chính ngạch sang Hàn Quốc.
Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban tổ chức hội thi, tuy còn một số tồn tại, hạn chế nhưng về cơ bản, các sản phẩm dự thi đều có mẫu mã, bao bì, đóng gói theo tiêu chuẩn quy định; được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận HACCP, ISO, VietGAP…; có hệ thống phân phối tiêu thụ trong tỉnh, khu vực hoặc cả nước. Nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền; đã sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.
Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2018 đến nay đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc thúc đẩy phát triển ngành chế biến ở khu vực nông thôn, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế ở khu vực nông thôn có những chuyển biến tích cực.
Việc tổ chức hội thi bình chọn sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm kịp thời tôn vinh những sản phẩm chất lượng, đây cũng là động lực khuyến khích các chủ thể trong triển khai chương trình OCOP tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhựt An