Với quan điểm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tạo ra giá trị gia tăng mới từ tài nguyên bản địa “OCOP- sự chắp cánh cho các tài nguyên bản địa và khơi dậy giá trị địa phương”, Chương trình OCOP chính thức khởi động thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh Đồng Tháp từ tháng 8/2019. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Đồng Tháp đặt mục tiêu có khoảng 150 sản phẩm mới của 70 chủ thể tham gia Chương trình OCOP.
Trong thời gian qua, toàn tỉnh có 186 sản phẩm đăng ký tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; trong đó, đã có 161 sản phẩm của 64 chủ thể được công nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao. Cụ thể, năm 2019 có 70 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao (gồm 23 sản phẩm đạt 4 sao, 47 sản phẩm đạt 3 sao); năm 2020 có 99 sản phẩm được phân hạng đạt 3 - 4 sao (gồm 91 sản phẩm mới và 08 sản phẩm được nâng hạng).
Đặc biệt, năm 2020 có 3 sản phẩm du lịch nông thôn đạt sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên và 4 sản phẩm OCOP tiềm năng đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xem xét đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao gồm: sản phẩm hạt sen sấy, mít sấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Huy, Bánh phồng chay cao cấp hạt sen của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nguyên Hậu và xoài sấy dẻo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thực phẩm Việt Đức.
Để làm được điều này, Đồng Tháp quán triệt phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, khơi dậy đam mê, hỗ trợ khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP. Qua đó, động viên, chia sẻ và hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo địa phương, gắn chặt liên kết Nhà nước với người dân, chắp cánh cho những sản phẩm đặc trưng của tỉnh vươn xa.
Địa phương luôn duy trì mô hình “Cà phê doanh nghiệp”, họp mặt doanh nhân, kết hợp với tổ chức đi thực tế, gặp gỡ để thăm hỏi và động viên doanh nghiệp vượt qua khó khăn; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị, quy trình sản xuất tiên tiến hơn.
Tỉnh kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất cho vay, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh do đại dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, nhiều hoạt động thiết thực được triển khai thúc đẩy khởi nghiệp như: Ký kết hợp tác với Quỹ Hỗ trợ Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam để triển khai chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương giai đoạn 2020 - 2025.
Cùng đó, gặp gỡ, chia sẻ, tư vấn các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp; tổ chức các chương trình, cuộc thi nhằm khơi dậy ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, sự nhiệt huyết và khả năng thích ứng, biến thách thức thành cơ hội của doanh nghiệp khởi nghiệp trong tình hình mới….
Xuyên suốt trong chỉ đạo thực hiện, Đồng Tháp yêu cầu “không quá cầu toàn, đừng quá máy móc, tập trung phát triển những sản phẩm tiềm năng trước đã”.
Trên cơ sở đó phát huy lợi thế từ sản xuất nông nghiệp và những thành quả đạt được từ Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Chương trình Khởi nghiệp, Chương trình Phát triển sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, Đề án Phát triển du lịch làm nền tảng tập trung khơi dậy phong trào xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP từ những sản phẩm đặc trưng, cải tiến sẵn có của từng địa phương.
Đồng Tháp đặt mục tiêu có khoảng 150 sản phẩm mới của 70 chủ thể tham gia Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời duy trì, củng cố các sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao. Đồng thời, phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 10% các sản phẩm đạt 4 sao OCOP (chứng nhận năm 2019 - 2020) đủ điều kiện tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Mặt khác, tỉnh phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được kết nối liên kết với các hệ thống siêu thị hoặc trung tâm thương mại…
Chương Đài