Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Động lực phát triển kinh tế vùng nông thôn

Thu hái chè đặc sản tại Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Thu hái chè đặc sản tại Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Được triển khai từ năm 2018, đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có trên 200 sản phẩm đăng ký ý tưởng, thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) và có 76 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 đên 4 sao; trong đó 7 sản phẩm đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá xếp hạng 5 sao.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Động lực phát triển kinh tế vùng nông thôn ảnh 1Thu hái chè đặc sản tại Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Xác định Chương trình OCOP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, do đó, giai đoạn 2019 - 2025 tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn cho chương trình OCOP khoảng 700 tỷ đồng; trong đó từ ngân sách tỉnh là 17 tỷ đồng, hơn 60 tỷ đồng từ ngân sách huyện, xã, nguồn vốn xã hội hóa trên 360 tỷ đồng. Thái Nguyên cũng xây dựng chính sách thưởng cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP với mức thưởng 20 triệu đồng/sản phẩm cho sản phẩm đạt 3 sao, 30 triệu đồng cho sản phẩm đạt 4 sao, 40 triệu đồng cho sản phẩm 5 sao.

Tỉnh ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các dự án phát triển theo chuỗi giá trị, các chủ thể là hợp tác xã tham gia phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ thiết kế logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng dữ liệu sản phẩm, thực hiện OCOP truy xuất nguồn gốc… xây dựng mẫu cách thức thực hiện một sản phẩm hoàn chỉnh để đánh giá, xếp hạng...

Theo ông Trần Nho Hưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, giúp sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm OCOP đã bước đầu tạo được lòng tin của thị trường, doanh số bán hàng của các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đều tăng. Quan trọng hơn, thực hiện chương trình OCOP đã thúc đẩy sự liên kết hợp tác giữa người nông dân với nhau, nông dân với hợp tác xã, nông dân với doanh nghiệp và đẩy mạnh sự phát triển các hợp tác xã trong nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp trong toàn tỉnh hiện nay lên khoảng 300 hợp tác xã...

Quá trình thực hiện chương trình OCOP, nhiều địa phương đã biết tận dụng lợi thế của mình để phát triển sản phẩm thế mạnh là cây chè trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu. Trong đó, các sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao như: Trà ướp Hoa Mộc (HTX Thái Minh, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ), Vạn Lộc trà, trà Đinh thượng hạng, trà Phát Tài (HTX trà Sơn Dung, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên), trà Đinh Tân Cương thượng hạng (HTX chè trung du Tân Cương, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên).

Ngay trong tháng 10/2020 vừa qua, một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Thái Nguyên tiếp tục được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, điển hình là các sản phẩm: cao ngựa bạch Trường Nguyên (Cơ sở Dương Xuân Trường, huyện Phú Bình), na VietGAP Hiên Minh (Tổ hợp tác sản xuất na VietGAP Hiên Minh, xã La Hiên, huyện Võ Nhai), mật ong tinh túy Hoa Nhãn (Tổ hợp tác ong mật Đông Tam Đảo, xã Phúc Thuận, Thị xã Phổ Yên), tinh bột nghệ (Hợp tác xã nông nghiệp và dược liệu Tiền Nguyên, xã Tân Linh, huyện Đại Từ)...

Bà Tống Thị Xuyến, Trưởng làng nghề chè xóm Trung Thành 2, Giám đốc cơ sở sản xuất – kinh doanh chè Hoan Xuyến (xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh, Huyện Phú Lương) cho biết, tham gia chương trình OCOP đã góp phần nâng cao giá trị, quảng bá sản phẩm, tạo liên kết, lan tỏa sản phẩm của địa phương. Các sản phẩm chè có chất lượng cao của cơ sở đại diện cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên được trưng bày, triển lãm tại các hội chợ trong nước và quốc tế, từ đó góp phần xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đảm bảo nông thôn mới phát triển bền vững. Sau khi được gắn sao của chương trình OCOP, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn đã mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó mở ra nhiều hướng đi mới cho các sản phẩm truyền thống làng nghề, khai thác được hết tiềm năng của địa phương...

Trong giai đoạn 2021 - 2025, để thúc đẩy, phát triển chương trình OCOP, Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến phát triển tổ chức sản xuất, hỗ trợ các dự án phát triển theo chuỗi liên kết, xây dựng mô hình điểm về phát triển sản phẩm OCOP để nhân ra diện rộng, chỉ đạo quản lý, sử dụng tốt nhãn hiệu OCOP theo quy định.

Tỉnh có kế hoạch xây dựng hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, gian hàng OCOP; trong đó tập trung phát triển các loại hình siêu thị, cửa hàng phân phối sản phẩm cấp xã, huyện, các tuyến liên tỉnh kết nối giao thương cung – cầu để tiêu thụ sản phẩm OCOP của Thái Nguyên trên thị trường trong và ngoài nước, kết nối với các sàn giao dịch và website của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP nhằm quảng bá thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, phát triển dịch vụ du lịch gắn kết chặt chẽ trong các chuỗi sản phẩm OCOP.

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm