Ninh Thuận: Xây dựng lộ trình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Ninh Thuận: Xây dựng lộ trình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, nhất là sản phẩm hữu cơ chủ lực, tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng lộ trình, tập trung đẩy mạnh phát triển trên từng lĩnh vực sản xuất mà tỉnh có thế mạnh, đáp ứng các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Ninh Thuận: Xây dựng lộ trình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ ảnh 1Diện tích trồng cây nha đam (cây Lô hội) tại phường Văn Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử - TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, căn cứ nhu cầu thực tế của người sản xuất, đầu ra sản phẩm của từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã đưa ra mục tiêu cụ thể, đó là hình thành, mở rộng diện tích canh tác được chứng nhận hữu cơ trên một số đối tượng như: lúa, điều, cây ăn quả, rau củ quả các loại, mía, mỳ, măng tây, nha đam, cây dược liệu, bò, dê, cừu, heo bản địa, các loại gia cầm, tôm, cá, nhuyễn thể và rong biển các loại….

Bên cạnh đó, tỉnh hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông lâm thủy sản hữu cơ, tập trung các sản phẩm có trong danh mục ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện. Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh thông qua tăng số lượng, chất lượng nông lâm thủy sản sản xuất theo quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc.

Ninh Thuận: Xây dựng lộ trình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ ảnh 2Nông dân phường Văn Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) chăm sóc cây nha đam (cây Lô hội). Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ngoài ra, tỉnh còn tập trung phát triển, nâng cấp các cơ sở sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP, VietGAHP, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hướng đến nông nghiệp hữu cơ; tạo cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các chuỗi hàng hóa nông lâm thủy sản hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, trước mắt, tỉnh ưu tiên triển khai phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực tại các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản để sản xuất hữu cơ; lựa chọn các đối tượng thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu sâu bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ.

Đặc biệt, tỉnh Ninh Thuận đã xác định được các vùng sản xuất hữu cơ phù hợp với các sản phẩm chủ lực như: các loại cây ăn quả như nho, táo và rau củ quả các loại như: dưa lưới, măng tây xanh, nha đam..., để có kế hoạch chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, dự kiến từ nay đến 2025 khoảng trên 5.000 ha; trong đó, sản xuất lúa hữu cơ khoảng 200 ha, tập trung tại các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Bắc, Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; sản xuất bắp hữu cơ khoảng 35 ha, tập trung tại các huyện Bác Ái và Thuận Bắc; sản xuất nha đam hữu cơ khoảng 125 ha, tập trung tại huyện Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; sản xuất măng tây hữu cơ khoảng 62 ha, tập trung tại các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Ninh Thuận: Xây dựng lộ trình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ ảnh 3Người dân xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) chăm sóc cây măng tây xanh. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Đối với vùng cây ăn quả hữu cơ các loại, Ninh Thuận trồng khoảng 276 ha, tập trung tại các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Bắc, Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; sản xuất điều hữu cơ tăng diện tích trồng lên khoảng trên 4.300 ha, tập trung tại huyện Bác Ái, Ninh Sơn vàThuận Bắc.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như: Thịt dê, bò, cừu, heo bản địa, các loại gia cầm...; riêng vùng chăn nuôi bò, dê, cừu hữu cơ gắn với quy hoạch đồng cỏ. Qua đó đến năm 2025, phát triển trên 17.400 con gia súc, gia cầm... đồng thời, tập trung xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như: tôm, cá, nhuyễn thể và rong biển các loại…

Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ gắn với thị trường trong nước, xuất khẩu, với diện tích mặt nước nuôi trồng đến 2025 đạt trên 25 ha, tập trung tại huyện Bác Ái, Ninh Hải và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển vùng sản xuất muối dinh dưỡng hữu cơ; vùng sản xuất, khai thác sản phẩm từ tự nhiên như trồng trọt các sản phẩm dược liệu, khai thác lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên…

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ chủ lực, từ nguồn vốn ngân sách thông qua việc hỗ trợ xây dựng các đề án, dự án, tư vấn kỹ thuật của các bộ, ngành; vốn lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia; vốn xã hội hóa và vốn hợp pháp khác… tỉnh sẽ tăng cường truyền thông về nông nghiệp hữu cơ đồng bộ, toàn diện bằng nhiều hình thức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, người sản xuất, người tiêu dùng… Điều này nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ, tầm quan trọng của việc sản xuất để tạo ra các sản phẩm hữu cơ.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… nhằm sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc thù của từng địa phương, sản phẩm mang tính truyền thống, khai thác từ tự nhiên; đồng thời nghiên cứu chọn tạo các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh, phù hợp với sản xuất hữu cơ, xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp hữu cơ để từng bước nhân rộng mô hình...

Ngoài việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Ninh Thuận cũng tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ; trong đó, ưu tiên chế biến các sản phẩm gồm các món ăn, các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc dược liệu, mỹ phẩm... để nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm