Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây được xem là một trong các giải pháp tối ưu để giúp các hộ nông dân ổn định sản xuất, phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
Đa dạng mô hình sản xuất
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng được các địa phương ưu tiên mở rộng. Từ đó, tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác với hộ kinh doanh các sản phẩm nông - lâm - thủy sản cung ứng cho thị trường.
Ông Nguyễn Đình Quang - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) chia sẻ, bình quân mỗi năm công ty liên kết thu mua từ các hộ dân khoảng 150 tấn táo, nho cung cấp cho thị trường. Cùng đó, công ty chế biến khoảng 15 tấn táo sấy dẻo tách hạt và nguyên hạt, ô mai táo và sản xuất khoảng 3.000 lít si rô táo, giấm táo. Được sản xuất từ dây chuyền tiên tiến, các sản phẩm chế biến từ quả táo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và số lượng giúp sản phẩm của công ty đạt chứng nhận Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao cấp tỉnh. Hiện các sản phẩm chế biến từ quả táo của công ty đã được đưa vào bán tại các siêu thị, chuỗi bán lẻ trên cả nước.
Không còn nỗi lo được mùa mất giá, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước) đang mở ra hướng đi ổn định cho nông dân vùng đồng bào Chăm trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ trồng cây măng tây xanh bằng cam kết hỗ trợ tất cả từ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Bà Châu Thị Xéo, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế chia sẻ, chính quyền địa phương và hợp tác xã đã vận động, hỗ trợ bà con chuyển đổi sang trồng loại “rau vua” măng tây xanh cho giá trị kinh tế cao. Hợp tác xã đang liên kết với hơn 80 hộ dân trồng măng tây xanh theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích hơn 20 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Bình quân mỗi ngày, Hợp tác xã thu mua khoảng 300 - 400 kg măng tây của các xã viên. Sản lượng măng tây thu hoạch không đủ cung cấp cho thị trường.
“Hợp tác xã bao tiêu thu mua măng tây xanh của xã viên với giá bình quân 45.000 đồng/kg. Hộ trồng măng tây xanh khoảng 1.000 m2 cho thu nhập ít nhất 500.000 đồng/ngày. Hộ trồng nhiều có thể thu nhập tới 2 triệu đồng/ngày. Lúc đầu, hợp tác xã có 7 hộ nghèo. Nhờ trồng măng tây xanh, đến nay, toàn bộ đã thoát nghèo và vươn lên hộ có thu nhập khá”, bà Châu Thị Xéo cho hay.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, đến nay tỉnh đã xây dựng được 31 cánh đồng lớn trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống… với tổng diện tích trên 4.242 ha. Đồng thời, thực hiện 57 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (43 liên kết thông qua hợp tác xã và 14 liên kết do doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân) sản xuất lúa, bắp giống, nho, măng tây xanh, nha đam, tỏi, kiệu, ớt, hành tím, chanh không hạt, đậu xanh, điều, mía đường, mỳ với tổng diện tích 14.267 ha. Bên cạnh đó, các địa phương hình thành nhiều mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm cừu, dê, bò, heo đen, gà bản địa với cơ sở giết mổ.
Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến tiêu thụ được 15 sản phẩm gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn, chuỗi giá trị này được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao. Qua đánh giá, tham gia vào chuỗi liên kết, người dân không chỉ được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn mà giá trị thu được của các mô hình liên kết cũng cao hơn từ 15-20% so với sản xuất truyền thống, hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn nguyên liệu sản phẩm, chất lượng được quản lý. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp tham gia liên kết đã đưa sản phẩm vào chuỗi hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển số lượng các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện cũng gặp không ít khó khăn, đó là tình trạng sản xuất nông nghiệp phần nhiều còn mang tính nhỏ lẻ; việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất hạn chế; tính liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, một bộ phận nông dân chưa thật sự tuân thủ những ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp, vẫn có tâm lý bán hàng ra ngoài, phá vỡ cam kết khi giá thị trường lên cao.
Thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất
Ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết, trong bối cảnh hiện nay việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đang là vấn đề cấp thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị tăng cao. Tham gia chuỗi liên kết mang lại ‘lợi ích kép”, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro, được hợp tác xã, doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất.
Đồng thời, các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.
Để nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất, năm 2023 UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển nông nghiệp từ nguồn kinh phí sự nghiệp phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí thực hiện trên 21 tỷ đồng; trong đó, tập trung cho hoạt động xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu tập trung' cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất; trong đó ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp; hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại hợp tác xã.
Theo ông Cương, thời gian tới ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tổ chức sản xuất cho tổ, nhóm, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia vùng sản xuất nguyên liệu, hỗ trợ chứng nhận VietGAP; tiếp tục phát triển chuỗi liên kết sản xuất, đào tạo kiến thức kinh doanh, kỹ năng thị trường, giám sát đảm bảo chất lượng sản phẩm, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật cho đối tác tham gia chuỗi giá trị.
Song song với phát triển chuỗi liên kết sản xuất, Ninh Thuận cũng chú trọng quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp đặc thù thông qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo, kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm để giúp chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP nói riêng, sản phẩm nông nghiệp Ninh Thuận nói chung đến người tiêu dùng. Đồng thời, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản giữa Ninh Thuận với các tỉnh, thành phố và khai thác sản phẩm thế mạnh của địa phương khác.
Nguyễn Thành