Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác, Ninh Thuận tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần bảo vệ môi trường.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Thời gian qua, nhiều hộ nông dân ở Ninh Thuận đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Anh Nguyễn Minh Phi (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) chia sẻ, nếu sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống thì hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2022, sau khi tham quan các mô hình trồng rau thủy canh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, anh Phi quyết định đầu tư trên 700 triệu đồng làm hệ thống nhà màng, hệ thống tưới thủy canh và giàn đỡ giá thể, hệ thống điều hòa để trồng rau theo hướng nông nghiệp sạch.
Anh Phi cho hay, trồng rau thủy canh trong nhà màng có nhiều ưu điểm như có thể can thiệp, loại bỏ được các chất gây hại cho cây; không phải thực hiện một số khâu làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới nước như trồng rau truyền thống giúp tiết kiệm được chi phí. Bên cạnh đó, rau thủy canh được sản xuất trong môi trường khép kín, tránh được các ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài và côn trùng. Đồng thời, hệ thống giàn rau thủy canh được đặt cách mặt đất khoảng 1 m, không tiếp xúc với đất nên hạn chế tối đa các bệnh nấm, sâu bệnh gây hại nên không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện tại, vườn rau thủy canh rộng 0,5 sào (500 m2) của anh Phi trồng 6 loại rau ăn lá như cải cúc, xà lách, cải bó xôi, cải ngọt…theo phương pháp trồng gối vụ nên sản lượng luôn bảo đảm nối tiếp nhau, kịp thời cung ứng cho thị trường. Mỗi ngày, anh Phi thu hoạch và xuất bán ra thị trường từ 30-40 kg rau các loại với giá bán từ 30.000 - 45.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng sau khi trừ chi phí anh còn lãi khoảng 10 triệu đồng. Tuy sản xuất với diện tích nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt, mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng của anh Nguyễn Minh Phi đang trở thành địa điểm cho các hộ nông dân ở địa phương học hỏi kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất.
Hiện nay, việc ưu tiên đầu tư công nghệ, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp nhằm mang lại “lợi ích kép” đang là hướng phát triển được nhiều nông hộ, hợp tác xã nông nghiệp ở Ninh Thuận áp dụng. Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất trồng giống nho mới, giống nho không hạt chất lượng cao, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng nho trong nhà màng, quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp... mỗi ha nho có thể cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng/vụ, mỗi năm thu nhập khoảng 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/ha.
Vườn nho của các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Thái An đang là nơi thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Tới đây, du khách sẽ được chủ vườn giới thiệu về cây nho, thưởng thức miễn phí nho tươi, sau khi thỏa thuận giá cả, du khách sẽ tự tay cắt những chùm nho tươi chín mọng với giá cả phải chăng. Ngoài bán nho tươi, các chủ vườn còn bán các sản phẩm chế biến từ quả nho. Đây cũng là hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả, ông Nguyễn Khắc Phòng chia sẻ thêm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua Ninh Thuận đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tính đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút đầu tư 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động gồm 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản. Ngoài ra, tỉnh hiện có diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 260 ha, mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng diện tích lên 1.000 ha.
Hoạt động nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đã tạo ra được nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt đang được các địa phương nhân rộng như: bao lưới chống ruồi vàng cho vườn táo, nho; trồng dưa lưới công nghệ cao Nhật Bản; trồng nho trong nhà màng; trồng rau thủy canh; trồng táo, măng tây xanh tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất tôm giống; nuôi hàu Thái Bình Dương; nuôi mực, cá biển trong lồng bè... Các mô hình này đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường giải pháp hỗ trợ
Ông Lê Huyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, địa phương đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với kinh tế số, chuyển đổi số theo hướng hiện đại, coi đây là giải pháp đột phá giúp phát triển sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân.
Tỉnh đặt mục tiêu năm 2023 đưa tốc độ tăng giá trị ngành nông nghiệp đạt 4-5%/năm; trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 30-40%/năm. Tỉnh nâng tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 500 ha với giá trị sản xuất đạt 700 triệu đồng/ha.
Đồng thời, Ninh Thuận cũng sẽ ưu tiên thu hút doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ hình thành từ 1-2 doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có ít nhất 20 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả. Song song đó, tiếp tục lựa chọn, ưu tiên phát triển gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc thù của tỉnh và hướng đến xuất khẩu để nâng cao giá trị sản xuất.
Để đạt chỉ tiêu, Ninh Thuận đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính thực hiện; đồng thời trong năm 2023 tỉnh dự kiến dành gần 7 tỷ đồng hỗ trợ 10 dự án tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi ở các địa phương. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu cơ chế, chính sách, thủ tục, tiềm năng thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; tổ chức hội thảo xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Ninh Thuận chú trọng đẩy mạnh hợp tác liên kết với trung tâm, viện nghiên cứu khoa học, tổ chức trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu, lựa chọn quy trình, công nghệ sản xuất, các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng phù hợp với tiềm năng lợi thế và tình hình sản xuất của tỉnh.
Đặc biệt là các loại giống, quy trình, công nghệ sinh học, hữu cơ, nano, công nghệ thông tin, nông nghiệp số, tự động hóa, nhà màng, nhà lưới, VietGAP, GlobalGAP, nuôi cấy mô, tưới tiết kiệm, công nghệ thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Từ đó, xây dựng mô hình trình diễn sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để chuyển giao cho cơ sở, hợp tác xã nhân rộng sản xuất.
Cùng đó, Ninh Thuận thực hiện chính sách về tín dụng nông nghiệp để hỗ trợ các cơ sở, đơn vị đầu tư sản xuất; phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hoàng hóa, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng ưu tiên sử dụng nguồn lực để thực hiện nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp để đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế.
Nguyễn Thành