Ninh Thuận đầu tư phát triển nâng cao vị thế, giá trị của cây nho

Ninh Thuận đầu tư phát triển nâng cao vị thế, giá trị của cây nho

Chiều 16/6, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho nhằm đưa ngành hàng này của địa phương phát triển theo hướng bền vững; đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư mở rộng quy mô sản xuất gắn với ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết, nho là cây có giá trị kinh tế nhất trong các loại cây trồng, đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân địa phương. Năm 2022, diện tích trồng nho của tỉnh hơn 1.052 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch đạt trên 1.000, năng suất đạt trên 256 tạ/ha, sản lượng đạt trên 25.700 tấn.

Ninh Thuận đầu tư phát triển nâng cao vị thế, giá trị của cây nho ảnh 1Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Tuy diện tích nho chỉ chiếm 3-3,5% tổng diện tích gieo trồng nhưng giá trị sản xuất hằng năm của loại cây này đạt từ 19-20% tổng giá trị sản xuất trong ngành trồng trọt; trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 26.000-28.000 tấn nho ăn tươi.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, để phát triển hiệu quả và gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp nói chung và cây nho nói riêng, tỉnh cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu....

Ninh Thuận cần tập trung giải quyết các vấn đề căn bản như: xây dựng thương hiệu, quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công - tư; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Ông Phan Công Kiên - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố chia sẻ, để có giống nho mới phục vụ nhu cầu sản xuất, Viện đã nghiên cứu, tạo ra nhiều các giống mới như: nho đỏ (Red Cardinal); nho xanh (NH01-48); nho hồng nhật (NH01-152); nho Black Queen; giống nho rượu (Shiraz); nho móng tay đen... cho năng suất cao, chất lượng tốt. Ngoài ra, một số giống nho ăn tươi khác cũng đang được trồng khảo nghiệm, rất triển vọng.

Ninh Thuận đầu tư phát triển nâng cao vị thế, giá trị của cây nho ảnh 2Các sản phẩm chế từ nho được các nhà vườn, các cơ sở chế biến đưa đến trưng bày, giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ninh Thuận hiện có trên 10 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ nho; 30 doanh nghiệp và 200 hộ sản xuất nhỏ dưới dạng hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia chế biến các sản phẩm từ nho. Mỗi năm, các cơ sở chế biến nho cung cấp cho thị trường khoảng 75.000-80.000 lít siro nho, rượu vang nho, nước ép nho; khoảng 8 -10 tấn ô mai nho, nho sấy dẻo, nho sấy khô/năm. Bên cạnh đó, các đơn vị chế biến nho cũng cho ra những dòng sản phẩm chất lượng đạt chuẩn quốc tế, với số lượng khoảng 2,7 triệu lít rượu vang và nước ép nho/năm để cung cấp cho thị trường.

Theo ông Đặng Kim Cương, để nâng cao vị thế, giá trị của cây nho, tỉnh cũng đang chú trọng đầu tư phát triển mặt hàng nông sản tiêu biểu này; đặc biệt tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất áp dụng kỹ thuật tiên tiến theo các quy trình sản xuất phù hợp, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị nho. Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây nho và các sản phẩm chế biến sau nho.

Ninh Thuận đầu tư phát triển nâng cao vị thế, giá trị của cây nho ảnh 3Các nhà vườn trồng nho kết hợp làm du lịch sinh thái, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm tại vườn. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Cụ thể, hỗ trợ cho hộ trồng nho với mức 40% giá trị đầu tư/1ha, từ 120 - 140 triệu đồng; hỗ trợ thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển dự án trồng nho theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, với mức hỗ trợ không quá 700 triệu đồng/dự án, để giúp người trồng nho có điều kiện đầu tư sản xuất; đồng thời hỗ trợ chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ và các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm…

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp địa phương cũng quy hoạch, khảo sát đánh giá tiềm năng các khu vực đất trồng nho phù hợp với tổng số diện tích có khả năng trồng trên 7.900 ha; trong đó có khoảng 4.000 ha đất chủ động nước tưới; đặc biệt đã hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn với quy mô hơn 2.550 ha.

Ngoài việc được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý, "Nho Ninh Thuận" còn được dán tem nhãn điện tử thông minh để thuận tiễn truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo lòng tin từ người tiêu dùng. Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 36 sản phẩm nho ăn tươi và các sản phẩm chế biến từ nho đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.

Thời gian gần đây, người trồng nho ở Ninh Thuận còn kết hợp việc trồng nho, chế biến nho gắn với du lịch sinh thái, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm… Đây là một hình thức rất tốt và hữu hiệu cho việc quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Hơn nữa đây cũng là hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để sản xuất nho nhưng việc phát triển chưa có tính bền vững. Diện tích trồng nho thiếu tính ổn định, một số chuyển sang trồng táo và loại cây trồng khác do đầu tư ít, cho thu hoạch ổn định hơn. Việc trồng các giống nho mới có diện tích còn ít; công nghệ sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc tiêu thụ...

Nho là loại cây trồng khó tính. Cùng với biến đổi khí hậu ngày càng gây gắt, giá cả tiêu thụ không ổn định, áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng nhập khẩu, việc nhân rộng mô hình trồng nho công nghệ cao còn hạn chế, chưa được mở rộng, nguồn lực của người dân còn khó khăn... Đây chính là lực cản cho phát triển sản xuất nho của Ninh Thuận hiện nay.

Ông Lê Huyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để nâng cao vị thế, giá trị của cây nho, tỉnh đang tập trung các nguồn lực, chính sách đầu tư cho các vùng sản xuất nho theo quy hoạch, ưu tiên vùng có chỉ dẫn địa lý "Nho Ninh Thuận"; hình thành những vùng trồng nho tập trung, ổn định lâu dài; đồng thời nâng cao năng suất và chất lượng giống nho mới, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nho để hướng đến xuất khẩu.

UBND tỉnh cũng khuyến khích người trồng nho, các doanh nghiệp giảm tối đa các chi phí trung gian trong sản xuất; từng bước hiện đại hóa các khâu trồng trọt; giữ vững vai trò là vùng sản xuất nho hàng đầu của Việt Nam. Ngoài ra, cần đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành hàng nho; ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao vào các khâu sản xuất, chế biến và tổ chức quản lý sản xuất...

Ninh Thuận đầu tư phát triển nâng cao vị thế, giá trị của cây nho ảnh 4Các nhà vườn chăm sóc vườn nho trĩu quả sắp độ chín. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Đồng thời, tỉnh tập trung phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của nhà nước để đầu tư, đảm bảo sản xuất hiệu quả, chất lượng cao tại các vùng sản xuất nho theo quy hoạch; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030; trong đó ưu tiên xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển chế biến các sản phẩm từ nho đủ điều kiện xuất khẩu.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu nghiên cứu, tuyển chọn từ 4-5 giống nho mới không hạt từ tập đoàn giống của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 đưa ra sản xuất trên diện rộng từ 2 - 3 giống nho ăn tươi mới không hạt có năng suất, chất lượng cao, có màu sắc hương vị quả đặc trưng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đến năm 2030 sẽ nhân rộng mô hình sản xuất các giống nho mới không hạt theo hướng tập trung và thâm canh đạt từ 20 - 30% diện tích trồng nho trên địa bàn tỉnh.

Với định hướng, giải pháp sẽ triển khai thực hiện, đến năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu nâng diện tích trồng khoảng lên khoảng 1.770 ha, sản lượng ước đạt trên 44.000 nghìn tấn; trong đó diện tích nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đạt trên 1.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng 28.000 nghìn tấn; đến năm 2030 định hướng phát triển diện tích trồng lên khoảng 2.000 ha, sản lượng ước đạt trên 51.000 nghìn tấn; trong đó diện tích nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đạt 1.520 ha, sản lượng ước đạt trên 40 nghìn tấn.

Để thực hiện hiệu có quả mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh cũng như Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu đưa các giống nho mới có chất lượng và năng suất cao vào sản xuất, mở rộng diện tích ở những vùng đất đồng bằng có khả năng tưới, phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm từ nho quy mô lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời, khuyến khích người trồng tích cực áp dụng mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng quy trình canh tác VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất; cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật, tiếp cận các dịch vụ khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất nho, mang lại giá trị kinh tế cao.

Ngành nông nghiệp Ninh Thuận sẽ tăng cường hỗ trợ đầu tư, củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức, quản lý, liên kết sản xuất và trồng nho nhằm tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng trên cơ sở đồng nhất về giống và công nghệ sản xuất; nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, chuỗi giá trị đã hình thành có hiệu quả. Cùng với đó đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu... để sản phẩm nho của tỉnh tiếp tục cuốn hút thị trường trong và ngoài nước.

Công Thử








(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm