Nhà sàn của người Lự
Nhà ở của người Lự là nhà sàn, có 1 chiếc cầu thang lên xuống. Căn nhà luôn có hai mái, mái phía sau ngắn hơn, còn mái phía trước kéo dài xuống che cả hàng hiên và cầu thang lên xuống. Cửa ra vào của nhà chủ yếu mở theo hướng Bắc. Gầm sàn sạch sẽ, hầu hết các gia đình dùng làm nơi để trữ củi khô, khung cửi và một số đồ dùng khác. Bên trong nhà sàn của người Lự thường dành 1 gian giữa để thờ cúng và con dâu trong gia đình không được vào gian này. Nhà bếp thì nối trực tiếp với căn nhà chính, do vậy khi bước chân vào nhà thì thấy ngay nhà ở và nhà bếp là một thể liên hoàn chứ không tách rời nhau.
Nghề dệt - thước đo sự khéo léo của phụ nữ Lự
Từ lâu đời, đồng bào đã biết trồng bông, nuôi tằm kéo sợi dệt vải để phục vụ cho nhu cầu may mặc của cộng đồng. Đa số phụ nữ Lự đều giỏi trong nghề dệt vải, thêu thùa. Người con gái trước khi lấy chồng đều thành thạo công việc may vá, thêu dệt. Tại Bản Hon, huyện Tam Đường, người dân vẫn tự dệt và mặc trang phục truyền thống. Trong mỗi hộ gia đình của người Lự đều có khung dệt vải, các dụng cụ chế biến sợi như xe quay sợi, giàn phơi sợi. Dưới nhà sàn luôn đặt khung dệt vải. Thợ dệt luôn bận rộn bên khung dệt.
Nhà ở của người Lự là nhà sàn, có 1 chiếc cầu thang lên xuống. Căn nhà luôn có hai mái, mái phía sau ngắn hơn, còn mái phía trước kéo dài xuống che cả hàng hiên và cầu thang lên xuống. Cửa ra vào của nhà chủ yếu mở theo hướng Bắc. Gầm sàn sạch sẽ, hầu hết các gia đình dùng làm nơi để trữ củi khô, khung cửi và một số đồ dùng khác. Bên trong nhà sàn của người Lự thường dành 1 gian giữa để thờ cúng và con dâu trong gia đình không được vào gian này. Nhà bếp thì nối trực tiếp với căn nhà chính, do vậy khi bước chân vào nhà thì thấy ngay nhà ở và nhà bếp là một thể liên hoàn chứ không tách rời nhau.
Nghề dệt - thước đo sự khéo léo của phụ nữ Lự
Từ lâu đời, đồng bào đã biết trồng bông, nuôi tằm kéo sợi dệt vải để phục vụ cho nhu cầu may mặc của cộng đồng. Đa số phụ nữ Lự đều giỏi trong nghề dệt vải, thêu thùa. Người con gái trước khi lấy chồng đều thành thạo công việc may vá, thêu dệt. Tại Bản Hon, huyện Tam Đường, người dân vẫn tự dệt và mặc trang phục truyền thống. Trong mỗi hộ gia đình của người Lự đều có khung dệt vải, các dụng cụ chế biến sợi như xe quay sợi, giàn phơi sợi. Dưới nhà sàn luôn đặt khung dệt vải. Thợ dệt luôn bận rộn bên khung dệt.
Nguyên liệu dệt chủ yếu là bông vải trồng trên rẫy. Thuốc nhuộm vải cũng được đồng bào khai thác và tự chế biến để tạo nên nhiều màu sắc khác nhau. Đôi tay của phụ nữ Lự lúc nào cũng thấy dính màu chàm vì ngày nào cũng phải đụng chạm đến dung dịch thuốc nhuộm. Trước sân nhà của người Lự, nhất là những ngày nắng ấm, luôn thấy những giàn phơi sợi hong khô những khoanh sợi vừa nhuộm màu. Sản phẩm dệt của người Lự khá phong phú về chủng loại và trang trí hoa văn, họa tiết rất độc đáo.
Ngoài quần áo, váy, người Lự còn sản xuất các loại túi, khăn, địu... Túi thổ cẩm của dân tộc Lự là một sản phẩm có giá trị thẩm mỹ. Túi có nhiều kích cỡ khác nhau, được trang trí hoa văn, họa tiết và đính vào thân túi, dây đeo nhiều nhúm bông có màu sắc sặc sỡ. Túi thổ cẩm chẳng những để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày mà còn như là vật trang sức.
Độc đáo trang phục cổ truyền của đồng bào Lự
Phụ nữ Lự ăn mặc đẹp và cầu kỳ. Bộ trang phục truyền thống gồm khăn đội, áo váy, thắt lưng cùng với bộ trang sức đi kèm. Áo tứ thân dài tay may bằng vải chàm, được ghép liên kết với nhau từ 6 miếng vải cắt theo hình rẻ quạt làm cho chiếc áo có vạt xòe rộng so với eo. Trên thân áo thường gắn nhiều đồng tiền bạc hoặc kim loại, phía bên trái thêu những đường chỉ nhỏ hình gióng trúc chạy từ cổ thẳng xuống vạt áo. Ở giữa thân áo có thêu tạo nét đẹp thẩm mỹ và sự cân đối cho chiếc áo. Tay áo dài, thon dần đến cổ tay. Hai bên vạt áo được đính hai dây vải hoa, dải dây bên sườn phải có 5 tua bằng sợi len các màu có xâu hạt cườm. Chiếc áo được điểm xuyết các hoa văn dệt và hoa văn ghép vải. Vòng quanh eo áo từ phía trước ra phía sau là hoa văn ghép vải. Gần cổ tay và sát nách có thêu đường hoa văn nhỏ. Cổ áo liền với nẹp ngực gồm 5 miếng vải khác màu khâu lại với nhau. Miếng vải ở giữa được đáp những hình quả trám màu xanh đỏ nối tiếp nhau.
Khăn đội đầu được làm bằng vải bông, nhuộm chàm đen dài khoảng trên 4 m, rộng 0,3 m, hai đầu khăn có tua dài khoảng 0,2 m. Trên nền đen của hai đầu khăn dệt xen kẽ 18 đường chỉ trắng khá rõ nét, đây là dấu ấn để nhận biết sự khác nhau giữa người Lào và người Lự. Vì người Lào cũng mặc trang phục giống như người Lự nhưng chiếc khăn quấn đầu không có những đường kẻ trắng như vậy.
Trang phục nam giới cũng là màu chàm đen, nét đặc biệt là trên áo nam, phần cúc áo được chị em đính tay bằng những nút thổ cẩm được khâu, đan cầu kỳ, kết hợp các chùm cúc bạc. Cổ áo được làm theo kiểu cổ cao 3 phân, thêu và ghép hoa văn hình tam giác, hình vuông mà xanh, đỏ. Hai bên sườn được khâu hai túi với đường viền hoa văn tinh tế, tạo cho chiếc áo thêm nét mạnh mẽ, nam tính. Những chiếc áo này dành cho các chú rể hoặc các trai làng mặc trong các lễ hội như cúng rừng, lễ mừng mùa...
Nhuộm răng đen - nét đẹp văn hóa của người Lự
Người Lự ở Bản Hon còn giữ nguyên tập tục nhuộm răng có từ thời xa xưa. Khi đến tuổi dậy thì, các cô gái được mẹ sắm cho dụng cụ nhuộm răng gọi là “pẳng tèm khèo”. Nó là một thanh sắt mỏng, là vật bất ly thân trong suốt cuộc đời của người phụ nữ Lự. Đồng bào dùng cây tỉu - một loại cây có nhựa cay, vị thơm mọc ở rừng sâu để làm nguyên liệu nhuộm răng. Họ thu hái cây này về phơi khô dự trữ trong nhà để dùng dần. Mỗi khi ăn cơm xong hoặc trước khi đi ngủ, các bà các cô thường ngồi bên bếp lửa để tiến hành nhuộm răng. Họ lấy một đoạn cây tỉu đặt vào bếp lửa đốt thành than hồng rồi bỏ vào một cái lon bằng nhuôm, lấy thanh sắt “pẳng tèm khèo” đậy lại. Khi đó cục than hồng đốt nóng làm tan chảy nhựa cây tỉu dưới đáy lon, khói bốc lên nghi ngút và ám nhựa cây có màu đen vào phía dưới thanh sắt. Họ lấy tay trỏ chấm vào nhựa còn đang nóng đưa qua đưa lại trên khắp hàm răng để nhuộm. Nhựa cây bám chặt vào răng.
Đôi bạn răng đen. |
Đồng bào Lự thực hành nhuộm răng như là một “nghi thức” không thể quên trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời là phút thư giãn, nghỉ ngơi, làm đẹp của người phục nữ sau ngày lao động mệt nhọc. Nét đặc biệt là trong hàm răng đen tuyền ấy còn điểm xuyết chiếc răng vàng lấp lánh ở hàm trên, ngay ở vị trí chiếc răng khểnh, tạo nên nét đẹp riêng biệt không lẫn với bất cứ tộc người nào.
Bản Hon là một trong nhiều bản làng ẩn chứa những nét đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ít người tỉnh Lai Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung. Tại Bản Hon, các giá trị văn hóa của đồng bào vẫn được giữ gìn như một bảo tàng sống, biểu hiện sức sống mạnh mẽ của đồng bào trước làn sóng du nhập văn hóa của bên ngoài. Nhờ vậy, Bản Hon đang và sẽ trở thành một trong những điểm đến lý tưởng của du khách trên hành trình khám phá "Vòng cung Tây Bắc".
Theo Langvietonline.vn