Thu hoạch tôm tại xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN |
Năm 2018, gia đình ông Hồ Sĩ Chất (xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu) có 3.000 m2 ao tôm thẻ chân trắng đang bước vào vụ thu hoạch. Là người nuôi tôm lâu năm, kết hợp áp dụng nuôi tôm sạch theo hướng VietGap nên năng suất đạt cao. Ông Chất cho biết, vụ tôm này gia đình thu trên 7 tấn tôm với giá bán cho thương lái hiện nay là từ 180.000 - 200.000 đồng/kg.
Gia đình ông Hồ Hương, xóm 12, xã Quỳnh Thanh có 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Hương khẳng định, ông và nhiều bà con xã Quỳnh Thanh đang áp dụng nuôi tôm theo hướng VietGap vì đây là hướng đi cần thiết khi thị trường ngày càng yêu cầu cao về chất lượng của con tôm. Vì vậy, mọi khâu từ lúc chuẩn bị nuôi như: xử lý ao nuôi, con giống, thức ăn, kỹ thuật và chăm sóc đểu phải thật kỹ càng, nhờ thế mà năng suất cao hơn so với nuôi tôm truyền thống trước đây.
Xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu có 127 hộ nuôi tôm với diện tích là 75 ha; trong đó, có 31 hộ nuôi theo chương trình VietGap với diện tích 33 ha. Ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân xã Quỳnh Thanh cho biết, nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm VietGap, nuôi tôm sạch nên năng suất bình quân của vụ này lên tới 15 tấn/ha. Xã cũng khuyến khích bà con dần mở rộng mô hình này và phát triển nghề nuôi tôm sạch, đảm bảo tôm thương phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An có 127 hộ nuôi tôm với diện tích là 75 ha. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN |
Trong khi đó, xã Quỳnh Bảng là xã nuôi tôm lớn nhất huyện Quỳnh Lưu và được coi là một trong những xã đi đầu về mở rộng và phát triển vùng nuôi tôm theo hướng VietGap. Toàn xã có 124 hộ nuôi trên diện tích 186,6 ha. Đến thời điểm này, xã đã thu hoạch được 326 tấn tôm trong kế hoạch là 900 tấn tôm thương phẩm.
Theo ông Vũ Văn Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quỳnh Bảng, hiện Quỳnh Bảng đã được tỉnh Nghệ An chứng nhận 60 ha nuôi tôm VietGap với 41 hộ nuôi. Cơ bản gần như tất cả các hộ nuôi tôm của xã đều nuôi tôm theo mô hình áp dụng công nghệ cao, nuôi tôm sạch, nuôi tôm công nghệ sinh học, VietGap, không dùng thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi mà sử dụng chế phẩm sinh học, sử dụng tỏi trộn lẫn vào thức ăn để tăng cường sức kháng bệnh cho tôm…
Một số hộ dân đang thử nghiệm mô hình nuôi tôm trên bể xi măng và bước đầu cho thấy năng suất cao hơn nuôi truyền thống trước đây. Nhiều hộ nuôi tôm ở xã Quỳnh Bảng lời cả tỷ đồng như điển hình gia đình anh Thái Hùng, xóm Đồng Hưng, xã Quỳnh Bảng nuôi 2 ha tôm thẻ chân trắng mang lại lợi nhuận 2 tỷ đồng.
Hiện nay, diện tích nuôi tôm áp dụng công nghệ cao như: mô hình VietGap, mô hình nuôi tôm sạch, nuôi tôm theo công nghệ Biofloc… đang được mở rộng ở huyện Quỳnh Lưu. Năm 2018, toàn huyện có 465 ha nuôi tôm với 440 hộ nuôi. Riêng mô hình theo hướng VietGap đã có 77 hộ tham gia với diện tích lên đến 108 ha tập trung ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh, Quỳnh Ngọc.
Ông Đậu Đức Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết, huyện có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi tôm nhờ vị trí địa lý nằm ở vùng ven biển. Sản lượng tôm nuôi hàng năm của huyện từ 2.800-3.000 tấn. Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con phát triển nuôi tôm theo hướng VietGap. Từ thực tế hiệu quả, mô hình này đang lan tỏa đến các hộ nuôi tôm.
Thu hoạch tôm tại xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN |
Trong điều kiện thời tiết thất thường, nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGap giúp nông dân tránh được nhiều rủi ro vì áp dụng nhiều tiến bộ khoa học và áp dụng theo một quy trình chuẩn của sản phẩm. Trong khi giá tôm không ổn định như hiện nay, mô hình nuôi tôm VietGAP tạo được lòng tin với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh trên thị trường và ổn định đầu ra sản phẩm để phát triển nghề nuôi tôm bền vững.
Tuy nhiên, có một thực tế, nhiều người nuôi tôm vẫn băn khoăn làm thế nào để phát triển ổn định nghề nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu khi chưa yên tâm về nhiều thứ như: chất lượng con giống, vấn đề xả thải công nghiệp ra môi trường ảnh hưởng đến nguồn nước nuôi tôm… Các hộ nông dân mong muốn các nhà sản xuất tôm giống cung cấp cho người nuôi những con giống khỏe mạnh, không bị bệnh.
Bên cạnh đó, chính quyền phải kiểm soát chặt chẽ được nguồn nước thải công nghiệp ra sông, hồ. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thành bại của người nuôi tôm.
Trong khi đó, dù mùa tôm năm nay đạt sản lượng cao so với năm trước nhưng giá bán lại thấp hơn khiến nhiều hộ nuôi tôm mất đi nguồn thu lớn. Ông Vũ Văn Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quỳnh Bảng cho biết thêm, so với thời điểm này năm ngoái, giá tôm 1 kg (loại 40 con) có giá là 240.000 đồng nhưng hiện nay chỉ được thương lai mua 190.000 đồng. Chỉ cần chênh lệch vài giá là có sự thay đổi lớn về lợi nhuận. Người nông dân đang nỗ lực để đưa ra thị trường những sản phẩm tôm sạch, an toàn cho người tiêu dùng nhưng cũng rất mong muốn công sức họ đổ ra, được thu về thành quả xứng đáng.