Ngày xuân vui hội vùng cao

Mỗi độ Tết đến, xuân về, đồng bào các dân tộc ở khu vực miền núi phía Bắc lại rộn ràng trẩy hội, vui xuân. Một trong những hoạt động mang đến không khí sôi nổi, vui tươi, được đông đảo đồng bào mong chờ nhất là tham gia các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc…

20 pscd.jpg
Thanh niên dân tộc Mường tham gia trò chơi leo cột mỡ. Ảnh: TTXVN

Tôi sinh ra và lớn lên ở thung lũng Mường Lò thuộc địa phận thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Nghĩa Lộ - thị xã miền Tây không chỉ nổi tiếng là vùng đất "gạo trắng, nước trong" mà còn là nơi sinh sống lâu đời và đông đúc của đồng bào dân tộc Thái. Trong kí ức ngày nhỏ của tôi, mỗi dịp Tết đến, xuân về, ngoài háo hức, mong chờ nhận tiền mừng tuổi, có quần áo mới thì vui hơn cả là được bố mẹ cho đi chơi trò chơi dân gian tại các lễ hội. Các trò chơi như ném còn, tó mắc lẹ, kéo co, leo cột mỡ… không chỉ có đồng bào nơi tôi sinh sống vui chơi với nhau mà còn giao lưu cùng bà con của nhiều bản làng khác, làm cho không khí ngày xuân thêm ấm cúng.

29 pscd.jpg
Trò chơi tù lu (còn gọi là trò đánh quay) là môn thể thao dân tộc giúp các chàng trai người Mông thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và tinh nhanh. Ảnh: TTXVN

Chị Lò Thị Vân, dân tộc Thái ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) kể, với đồng bào Thái, mùa xuân là mùa vui. Trước đó cả tháng, tại các thôn bản, khu phố đã rộn ràng không khí chuẩn bị dụng cụ, tập luyện cho các màn thi đấu, biểu diễn trò chơi dân gian. Hấp dẫn và thu hút nhiều người tham gia nhất là trò chơi ném còn. Người chơi chia thành 2 đội, một bên nam, một bên nữ, bên này tung, bên kia đón bắt, trao đi đổi lại, vừa tung còn, vừa trò chuyện vui vẻ, hát giao duyên.

1-tai hien nghi le keo co cua nguoi Tay o xa Bao Nhai Bac Ha - quoc khanh.jpg
Kéo co của đồng bào dân tộc Tày ở xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà (Lào Cai) vừa là nghi lễ thiêng liêng vừa là trò chơi hấp dẫn gắn kết với đời sống tinh thần, tâm linh và ước vọng tốt đẹp của cộng đồng. Ảnh: TTXVN

Với đồng bào dân tộc Tày ở xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà (Lào Cai), nhắc tới ngày xuân là nhắc tới lễ hội xuống đồng. Trong lễ hội xuống đồng, nghi lễ và trò chơi kéo co được tổ chức long trọng với sự tham gia của cả cộng đồng. Trên khoảng sân rộng, tiếng hò reo, cổ vũ vang cả một vùng khiến cho không khí ngày xuân càng thêm rộn ràng, náo nức.

Nghệ nhân Lâm Văn Chướng, dân tộc Tày ở xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà cho biết: “Trò chơi kéo co trong lễ hội xuống đồng tượng trưng cho việc đánh thức con rồng dậy phun mưa, làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt, mọi người được mạnh khỏe, bình an. Không chỉ có kéo co, các trò chơi dân gian của người Tày được tổ chức vào dịp đầu xuân đều phản ánh nét đẹp văn hóa ứng xử, tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng…”.

13 pscd.jpg
Trò chơi dân gian múa ngựa giấy được đồng bào dân tộc Nùng biểu diễn trong những dịp vui như lễ hội, Tết cổ truyền. Ảnh: TTXVN

Tại các bản làng của đồng bào dân tộc Mông, vào những ngày hội xuân, du khách được tham gia trò chơi ném pao. Quả pao có hình tròn, to bằng quả cam, được phụ nữ Mông khâu từ các miếng vải lanh đủ màu sắc. Pao của các thiếu nữ thường to, màu sắc bắt mắt và sặc sỡ, còn pao của các cô bé mới lớn đơn giản hơn, bé hơn và có màu đen. Diễn ra ở những khu đất rộng và bằng phẳng, người ném phải khéo léo không để pao rơi xuống đất. Không chỉ có nam thanh nữ tú ném pao mà trẻ em người Mông cũng rất yêu thích. Người chơi giao ước với nhau về số lần ném, số lần bắt được pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó mà bên thắng quy định.

34 pscd.jpg
Trò chơi ném pao không thể thiếu trong các lễ hội của đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: TTXVN
37 pscd.jpg
Đồng bào dân tộc Thái với trò chơi tó má lẹ trong ngày hội. Ảnh: TTXVN
60 pscd.jpg
Đồng bào dân tộc Hà Nhì với trò chơi đu quay. Ảnh: TTXVN
5 pscd.jpg
Đồng bào dân tộc Khơ Mú nhảy sạp trong ngày hội xuân. Ảnh: TTXVN

Tết đến, xuân về, đồng bào các dân tộc ở khu vực miền núi phía Bắc thường có những trò chơi dân gian khá tương đồng. Người Tày, Thái, Mường, Giáy, Dao, Hà Nhì… chơi trò chơi ném còn, bắn nỏ, kéo co, đánh đu... Sự tương đồng giữa các trò chơi này thể hiện mối giao lưu, tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

Không chỉ tạo không khí tươi vui, đậm đà bản sắc với mong ước người người, nhà nhà đều đón Tết bình an, nhiều trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc đã trở thành môn thi đấu thể thao trong các hội thi từ cấp xã đến cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Phương Lan

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)