Những ngày giáp Tết, khi những cành đào rừng đua nhau khoe sắc cũng là thời điểm đồng bào dân tộc gác lại công việc sản xuất, nô nức xuống núi đi chợ. Chợ phiên ngày giáp Tết hàng hóa đủ đầy, người mua người bán tấp nập hơn nhiều so với ngày thường. Chợ phiên giáp Tết không chỉ là nơi mua sắm, trao đổi hàng hóa mà còn là địa chỉ để đồng bào gặp gỡ, trao đổi, giao lưu văn hóa mỗi dịp xuân về…
Nhộn nhịp chợ phiên ngày giáp Tết
Đến với chợ phiên Huổi Cuổi, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) vào những ngày cuối tháng Chạp, sắc xuân dường như đã cận kề nơi đây. Chợ họp theo phiên, cứ 5 ngày 1 lần, thu hút rất đông đồng bào dân tộc trong vùng. Họ mang đến chợ đủ thứ đặc sản, từ rau rừng, măng, lợn, gà, vịt… cho đến những vật dụng thường ngày như hàng thổ cẩm, dao, cuốc… Tuy nhiên, là chợ phiên giáp Tết nên không thể thiếu các loại bánh, mứt, kẹo, lá dong… Đeo trên vai chiếc túi thổ cẩm đặc trưng của người Thái, chị Lò Thị Mai ở xã Chiềng Bằng chia sẻ với chúng tôi: “Xuân đã về, ngoài sắm thực phẩm ngày Tết, mua lá dong về gói bánh chưng, mình còn mua quần áo mới cho bọn trẻ để chào đón năm mới”.
Với đồng bào các dân tộc ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang), chợ phiên Khâu Vai từ lâu đã gắn liền với những câu chuyện tình yêu, hò hẹn. Vào dịp Tết, chợ phiên này lại trở nên rộn ràng, náo nhiệt hơn cả. Từ sáng sớm, đồng bào dân tộc trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu đã hội tụ tại đây. Ngoài việc mua sắm, trao đổi sản vật, họ đến đây để gặp gỡ bạn bè, thăm hỏi nhau sau những tháng ngày lao động vất vả. Người cao tuổi đến chợ hỏi nhau sức khỏe, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cách làm ăn. Nam nữ thanh niên lại trao nhau câu sli, lượn, tiếng khèn Mông lôi cuốn… Mang theo 1 con gà xuống chợ, bà Vàng Mì Vạ, dân tộc Mông ở xã Khâu Vai cho biết: “Tôi rất thích đi chợ phiên những ngày giáp Tết. Tới đây, tôi lại được nghe tiếng khèn Mông du dương, nghe mãi mà vẫn chưa muốn về!”.
Bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên
Chợ phiên vùng cao những ngày giáp Tết không chỉ góp phần làm đa dạng thêm các hoạt động thương mại, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc mà còn trở thành một sản phẩm du lịch có sức hút đặc biệt đối với du khách. Đến với chợ phiên Tủa Chùa (Điện Biên), du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương mà còn được hòa mình vào tiếng khèn lá, khèn môi, tiếng sáo gửi tình cảm, thả lời làm quen của các đôi trai gái trong bộ trang phục dân tộc. Chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai) lại là một trải nghiệm khó quên cho bất cứ ai. Mỗi gian hàng trong chợ đều có một nét thú vị riêng, từ các mặt hàng truyền thống, đồ trang sức cho đến các loại gia súc, gia cầm.
Ngày nay, đời sống đồng bào các dân tộc vùng cao đã được cải thiện nhiều. Cùng với đó, khi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp tại nhiều địa phương, các chợ phiên vùng cao cũng được quan tâm đầu tư, nhất là cơ sở hạ tầng và không gian văn hóa truyền thống.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian ứng dụng, đồng bào vùng cao không buôn bán thường xuyên, không phải là những tiểu thương nên họ luôn có nhu cầu giao lưu, trao đổi văn hóa khi đến với các phiên chợ. Vì vậy, không gian văn hóa chợ phiên rất cần được bảo tồn và phát triển, vừa giúp đồng bào có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, vừa giúp du khách tìm hiểu văn hóa, đời sống, phong tục tập quán địa phương.
Hải Quỳnh – Hiền Anh