Nâng tầm sản phẩm OCOP: Chìa khóa mở cửa thị trường quốc tế

Nông sản Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng với hương vị thơm ngon và chất lượng cao. Tuy nhiên, để vươn xa hơn thị trường nội địa, các sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cần được nâng tầm một cách bài bản. Chuỗi giá trị chính là chìa khóa giúp sản phẩm OCOP chinh phục thị trường quốc tế, mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân và góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Hiện các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn Nghệ An đang nỗ lực khai thác tối đa tiềm năng của sản phẩm, đưa thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới.

vna_potal_san_pham_ocop_-_chia_khoa_de_nghe_an_vuon_ra_thi_truong_quoc_te_7461402.jpg
Đa dạng sản phẩm chế biến từ Sen. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Còn nhiều rào cản

Sản phẩm ốc bươu đen của Tổ hợp tác Đức Thành, xã Đức Thành, huyện Yên Thành đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Từ vài trăm m2, đến nay đã được mở rộng diện tích nuôi lên 15ha, mỗi năm nuôi 2 vụ, mỗi vụ 3 tháng. Hàng năm, các trang trại của Tổ hợp tác Đức Thành xuất bán ra thị trường 200 tấn ốc thương phẩm, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng. Ngoài bán ốc thương phẩm, Tổ hợp tác này còn nuôi để ấp trứng và cung cấp giống cho các hộ trong và ngoài huyện có nhu cầu, đồng thời là đầu mối cung cấp ốc thịt cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Từ năm 2023, sản phẩm ốc bươu đen của Tổ hợp tác Đức Thành đã được xuất khẩu thô sang Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo anh Trần Quý Bảo, thành viên Tổ hợp tác Đức Thành thì về lâu dài, để ốc bươu đen xuất khẩu thô sang nước ngoài vẫn chưa bền vững.

“Thời quan qua, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi các vùng đất để tổ chức sản xuất hiệu quả hay góp phần quảng bá sản phẩm, hoặc đưa các doanh nghiệp, cá nhân ngoài huyện về tham quan và mua giống, tạo cơ hội cho Tổ hợp tác mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn được chính quyền địa phương, ban ngành hỗ trợ có chính sách đặc thù đầu tư về cơ sở hạ tầng để xây dựng nhà máy, phát triển sản phẩm lâu dài”, anh Trần Quý Bảo đề xuất.

vna_potal_san_pham_ocop_-_chia_khoa_de_nghe_an_vuon_ra_thi_truong_quoc_te_7461383.jpg
Nhiều sản phẩm mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong được xuất khẩu đến 34 nước trên thế giới. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Sản phẩm đèn lồng treo mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong là sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Hiện sản phẩm đã được xuất khẩu đến 34 nước trên thế giới. Dự kiến năm 2024, công ty sẽ có thêm 2 nhóm sản phẩm hộp quà tặng và đèn bàn mây tre đan đạt 5 sao OCOP cấp Quốc gia. Các sản phẩm mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong luôn có sự kết hợp hài hoà giữa nét truyền thống và hiện đại, làm theo đơn đặt hàng của đối tác từng nước nhưng luôn giữ được sự tinh tế, độc đáo riêng của làng nghề mây tre đan Nghệ An. Để có được kết quả trên công ty đã thực hiện tốt liên kết chuỗi từ khâu nguyên liệu đầu vào của sản phẩm, quá trình tổ chức sản xuất (thu hoạch, bảo quản, chế biến) đến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết, việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) mang lại nhiều lợi ích cho người dân, giá trị gỗ được tăng thêm, nâng cao được thu nhập trên đơn vị diện tích. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, tiến độ cấp chứng chỉ rừng chậm, chưa xứng với tiềm năng khiến doanh nghiệp chuyên xuất khẩu như công ty gặp khó.

Theo ông Thái Đại Phong, đơn cử tại huyện Quế Phong có đến 938 ha rừng trồng, tuy nhiên, khi công ty muốn mua lại không có hóa đơn buộc doanh nghiệp phải ra tỉnh Thanh Hóa để mua nguyên liệu có hóa đơn chứng chỉ rừng bền vững FSC.

vna_potal_san_pham_ocop_-_chia_khoa_de_nghe_an_vuon_ra_thi_truong_quoc_te_7461387.jpg
Nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã đã thực hiện tốt liên kết chuỗi từ khâu nguyên liệu đầu vào, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Nghệ An hiện có 562 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 35 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 526 sản phẩm đạt hạng 3 sao (có 11 điểm du lịch nông thôn). Toàn tỉnh hiện nay có 110 hợp tác xã, 59 công ty cổ phần, doanh nghiệp, 55 tổ hợp tác và 122 hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.

Từ sự phát triển của sản phẩm OCOP hình thành liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt gắn với vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp như Công ty TNHH Đức Phong, tổ hợp tác Đức Thành, Công ty cổ phần Khoa học công nghệ tảo Việt Nam, Công ty cổ phần Biển Quỳnh, Hợp tác xã bưởi Diễn Thanh Nho... là không nhiều.

Bên cạnh những thuận lợi, nhiều sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Sản phẩm OCOP tham gia các chuỗi bán lẻ hiện đại, siêu thị còn ít, rất hiếm sản phẩm xuất khẩu được ra các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Các địa phương chưa thực sự chú trọng trong việc hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc... để đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Theo quy định, để nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như xúc tiến thương mại gắn với chỉ dẫn địa lý, liên kết chuỗi, khả năng tiếp cận thị trường, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm... Những yêu cầu này không dễ thực hiện với các chủ thể, bởi phần lớn các sản phẩm OCOP của tỉnh có nét tương đồng, sản xuất theo quy mô nhỏ, chủ yếu là tiêu thụ tự do trên thị trường. Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn hơn, sản phẩm ngoài các tiêu chuẩn của 4 sao, còn phải có thị trường xuất khẩu thường xuyên.

Trên thực tế, hầu hết chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh đều có quy mô nhỏ nên việc đầu tư, nâng cấp dây chuyền, máy móc mở rộng sản xuất theo chuẩn hàng hóa cần nguồn kinh phí tương đối lớn. Các hợp tác xã hiện nay đa phần là thực hiện các dịch vụ đầu vào cho thành viên, tổ chức sản xuất theo thời vụ, chưa có nhiều hợp tác xã tổ chức các hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm chuyên ngành. Việc phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn còn là một thách thức với tỉnh Nghệ An.

Liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP

Mới đây tại hội thảo “Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An năm 2024 và các năm tiếp theo”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, tỉnh Nghệ An có đầy đủ các vùng miền, thuận lợi cho sự phát triển đa dạng sản phẩm, như vùng miền núi có thể phát triển các sản phẩm về lâm nghiệp, vùng trung du phát triển về sản phẩm trái cây và nguyên liệu, vùng đồng bằng với các sản phẩm cây trồng, vật nuôi đảm bảo an ninh lương thực, vùng biển nuôi trồng thuỷ sản và du lịch.

vna_potal_san_pham_ocop_-_chia_khoa_de_nghe_an_vuon_ra_thi_truong_quoc_te_7461407.jpg
Sản phẩm OCOP 3 sao nước mắm của Tân Cửa Hội được nhiều khách hàng lựa chọn. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

“Phải phát huy lợi thế, điều kiện cụ thể từng vùng, xác định vùng nào trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp và hiệu quả để có giải pháp phát triển phù hợp và hiệu quả. Đồng thời, làm tốt vấn đề liên kết; trong đó phải có liên kết từ từng lĩnh vực, từ đó sẽ tạo liên kết theo chuỗi giá trị. Cần nhận biết rõ sản phẩm OCOP là gì, có giá trị như thế nào để từ đó có giải pháp phát triển phù hợp, phát triển sản phẩm OCOP, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế nông thôn”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, về phía Nhà nước cần tổ chức và hỗ trợ các đơn vị OCOP đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội thảo, hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc gắn với văn hóa cấp địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với các khu du lịch trọng điểm. Cùng với đó, xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP (nhãn hiệu chứng nhận), tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ để nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường.

Đối với các đơn vị OCOP cũng cần tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng, liên kết chuỗi. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân kịp thời đổi mới phương pháp chế biến, bảo quản sau thu hoạch để giữ được sản phẩm ngon và lâu hơn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Trên thực tế thời gian qua, tỉnh Nghệ An cũng đã có chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản tại các khu cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu nhằm bảo đảm chất lượng, nâng cao giá trị nông sản, chủ động nguồn hàng. Bên cạnh đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, các doanh nghiệp OCOP cần nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất thích ứng với nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất, khắc phục phụ thuộc vào thời tiết, tăng năng suất, giảm lao động thủ công, đặc biệt cần chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiên cứu cải tiến chủng loại, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu livestream quảng bá hình ảnh sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó nâng tầm giá trị thương hiệu của sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, thời gian tới tỉnh Nghệ An sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, xây dựng, mở rộng, phát triển hệ thống siêu thị trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm, nhất là những đặc sản đặc trưng vùng, miền, cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm và chủ thể sản xuất sản phẩm đến người tiêu dùng.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm