Mật ong U Minh - “dược liệu quý” giữa đại ngàn

Vườn Quốc gia U Minh Hạ là một trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Nơi đây hiện có khoảng 176 loài thực vật thuộc 65 chi, 36 họ. Đặc biệt, cây tràm là loài ưu thế, nổi bật, làm nên nét đặc trưng hệ sinh thái rừng ngập ngọt tỉnh Cà Mau và cũng chính điều kiện tự nhiên tuyệt vời này đã tạo ra đặc sản mật ong rừng tràm U Minh nổi tiếng.

loanphuong1.jpg
Ngày 29/4/2022, Hội kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã xác lập kỷ lục “Tổ ong lớn nhất Việt Nam” có kích thước 2,2 m x 1 m, nặng 43 kg, thu khoảng 15 lít mật và 2 kg phấn hoa. Ảnh: Loan Phương

Gác kèo ong được xem là nghề truyền thống rất đặc trưng của nhiều hộ dân sống dưới tán rừng tràm. Hầu như hộ nào nhận khoán đất rừng, trồng tràm đều làm nghề gác kèo ong. Thường được khai thác từ tháng 11 đến cuối tháng 3 (âm lịch), mật ong rừng tràm U Minh có chất lượng vượt trội với hương thơm đặc trưng, màu vàng óng, là “dược liệu quý” cho sức khỏe. Ngoài ra, sáp ong có thể tận dụng làm đèn cầy, ong non có thể chế biến thành các món ăn như mắm ong, gỏi ong, ong chiên bột…

unnamed (1).jpg
Du khách thích thú trải nghiệm lấy mật ong rừng tại Khu du lịch Hoa rừng ở xã Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau). Ảnh: Loan Phương
unnamed.jpg
Món gỏi ong được làm từ ong non và bắp chuối. Ảnh: Loan Phương

Với những giá trị đặc biệt nên cuối năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận sản phẩm mật ong rừng tràm U Minh Hạ là nhãn hiệu tập thể độc quyền. Tháng 6/2020, “Nghề gác kèo ong” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sản phẩm mật ong rừng U Minh Hạ cũng được Hội kỷ lục Việt Nam thuộc Liên minh kỷ lục thế giới xếp vào TOP 100 đặc sản quà tặng Việt Nam năm 2021.

Loan Phương

(̣Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm