Lễ “vào bóng mát” của người con gái Khmer

Lễ “vào bóng mát” của người con gái Khmer

Lễ “vào bóng mát” – một hình thức tu kín

Lễ vào bóng mát còn được gọi là Chol – mlốp. Các cô gái Khmer khi bước vào độ tuổi từ 16 – 20 đều phải thực hiện nghi lễ này trong thời gian từ 3 tháng – 1 năm. Đây là thời kỳ người con gái Khmer được học thêu thùa, may vá, bếp núc, học làm người, được dạy cách ứng xử của người con gái khi lấy chồng theo tinh thần nhà Phật. Đó là sống phải biết nhường nhịn, yêu thương, có sự hy sinh để gia đình yên ấm… Và tất cả mọi hoạt động đó đều phải thực hiện trong một căn phòng riêng biệt của gia đình.

Trong thời gian làm lễ “vào bóng mát”, họ tuyệt đối không được bước chân ra khỏi phòng, không chuyện trò hay tiếp xúc với người lạ. Những vị khách đến nhà cũng đừng mơ được đến gần hoặc được biết đến căn phòng này bởi đây là điều cấm kỵ. Nếu chẳng may tiếp xúc với người lạ thì lễ đó coi như hỏng. Muốn làm lại, họ phải chờ cho đến khoảng thời gian thích hợp mới có thể bắt đầu.

Không “vào bóng mát”, con gái Khmer sẽ khó lấy chồng. Ảnh: aval.vn
Không “vào bóng mát”, con gái Khmer sẽ khó lấy chồng. Ảnh: aval.vn

Chính vì mọi sinh hoạt đều diễn ra trong căn phòng kín, tách biệt với thế giới bên ngoài mà người ta gọi đó là lễ “vào bóng mát”. Và sâu xa hơn, theo nhà nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng Nguyễn Mạnh Cường, “vào bóng mát” còn mang hàm ý được các vị thần linh che chở, giúp đỡ, ban ơn: “Đây gần như một hình thức tu kín, ở trong khu vực kín cổng, cao tường trong cả quá trình vào lễ. Ở khía cạnh tín ngưỡng, nó còn có được sự trợ giúp của các nữ thần và những người làm công việc phục vụ cho các nữ thần đấy. Thường thường chúng ta hay gọi là các bà bóng, các bà đồng, thì từ bóng có thể hiểu như vậy. Nghi lễ này rất quan trọng đối với người Khmer”.

Không “vào bóng mát” sẽ… khó lấy chồng
 
Vậy khi “vào bóng mát” ai mới có thể tiếp xúc với họ? Đó là các bà, các mẹ, các chị - những người phụ nữ của gia tộc. Hằng ngày, họ sẽ có nhiệm vụ đưa cơm, đưa nước và truyền dạy tất cả mọi điều trong cuộc sống cho cô gái. Một ngày họ phải tụng kinh hai buổi vào sáng sớm và chiều tối. Xen kẽ giữa hai buổi tụng kinh để nhập Phật tính vào người thì trong các bữa ăn, họ được các bà mẹ, những người chị - những người đều đã trưởng thành, có kinh nghiệm sống, ngồi trao đổi, dạy dỗ để cho cô gái đó hiểu được trách nhiệm của mình đối với xã hội, đối với gia đình thông qua những câu chuyện đời thường.

“Họ dạy nhau bằng cách truyền miệng, họ dạy nhau bởi các kinh nghiệm, bằng những câu chuyện rất đời để người con gái thấm chuyện đó. Mai kia con đi lấy chồng, con cũng sẽ làm mẹ. Khi con sinh con ra, con phải có trách nhiệm như thế nào. Cái cách giáo dục của người Khmer rất truyền thống là như vậy. Nó rất hệ thống, nhà nào cũng thế. Người mẹ, các bà chị sẽ lần lượt trở thành các giáo viên hướng đạo cho em mình, cho con mình để làm sao sống tốt. Đấy là một điều tôi cho rằng rất hay” - TS Cường nói.

Khi đã được trang bị những kiến thức ứng xử trong quan hệ vợ chồng, ứng xử trong cộng đồng, từ đấy cô không còn là trẻ con nữa mà được xã hội xem như một thiếu nữ đã trưởng thành. Và khi ấy, người con gái mới có thể nghĩ đến việc xuất giá, hôn nhân mới được cộng đồng chấp nhận. Nếu không trải qua nghi lễ “vào bóng mát” thì dù mười tám, đôi mươi, các cô vẫn chưa được coi là người lớn, mãi mãi vẫn là một đứa trẻ con. Thậm chí, bị xã hội cười chê và cơ hội lấy chồng cũng vô cùng hiếm.

TS Cường nhận định: “Nó là một đối trọng giữa chuyện nam giới phải đi tu để rèn thành một con người, thì những người phụ nữ Khmer cũng phải có một giai đoạn tu kín để trở thành người lớn. Giai đoạn đi tu ấy là để tôikhẳng định với cộng đồng rằng tôi cũng đã từng được tu dạy tử tế. Khi anh chàng kia bước chân ra khỏi chùa và cô gái bước qua cái bóng mát cũng là lúc cộng đồng xác nhận cả hai đã trưởng thành. Nếu hai bên lấy nhau sẽ được cộng đồng thừa nhận”.

Với ý nghĩa giáo dục đó, cho đến ngày nay nghi lễ vào bóng mát vẫn còn sống động trong đời sống của người Khmer. Chỉ có điều, thời gian thực hiện đã được rút ngắn lại, các gia đình không còn tổ chức riêng lẻ mà tập trung 5 – 7 cô gái thành một nhóm tại nhà và có một người đứng ra truyền dạy chung. Thậm chí, họ cũng có thể ra chùa học chữ, vừa nghe các sư thầy giảng về Phật học, vừa được giáo huấn cách đối nhân, xử thế trong cuộc sống và sống có trách nhiệm.

Đối với người Khmer, người phụ nữ được giáo dục bởi hai nguồn. Một từ truyền thống với những phong tục, tập quán mà cha ông gìn giữ từ cổ xưa đến nay, và một nguồn chính là văn hóa Phật giáo Nam tông. Có lẽ vì thế mà ở họ, con người sống với nhau thiện hơn, sống đức hơn và chân thành hơn.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm