Khánh Hòa kỳ vọng đưa 80% sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử vào năm 2025

Các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Khánh Hòa đã từng bước tạo dựng được thương hiệu, mang những nét đặc trưng vùng đất “rừng trầm, biển yến”. Các sản phẩm như: yến sào, trầm hương, rong nho, sầu riêng, bưởi da xanh, xoài Úc, nấm các loại, chả cá... gắn liền với từng địa danh của các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đã không còn xa lạ với người tiêu dùng. Tỉnh đặt được mục tiêu đưa ít nhất 80% sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử vào năm 2025.

xoasayCamLam.png
Đặc sản xoài sấy Cam Lâm được dưa lên sàn thương mại điện tử Shopee. Ảnh: DTMN

Những sản phẩm này không chỉ kết tinh sự sáng tạo, nỗ lực của người nông dân, mà còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế của vùng nguyên liệu. Gần đây việc ứng dụng công nghệ, quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử đã đưa sản phẩm OCOP Khánh Hòa đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế bền vững.

Tại huyện Cam Lâm, xoài sấy đã trở thành biểu tượng OCOP 3 sao, mở ra cơ hội đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ông Đặng Thế Truyền, người sáng lập thương hiệu CamLamOnline không chỉ tự hào với sản phẩm xoài sấy Cam Lâm mà còn gắn bó với quá trình chế biến, hoàn thiện từng sản phẩm. Ông chia sẻ: “Chứng nhận OCOP 3 sao giúp sản phẩm của chúng tôi được người tiêu dùng tin tưởng và yêu thích hơn, đồng thời là minh chứng về tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.”

Chương trình OCOP giúp CamLamOnline quảng bá sản phẩm, tham gia hội chợ, sự kiện thương mại, kết nối với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Facebook và TikTok, từ đó mở rộng kênh tiêu thụ. Đặt mục tiêu nâng sản phẩm xoài sấy lên OCOP 4 sao, ông Truyền kỳ vọng sữa xoài và bánh tráng xoài sẽ trở thành những sản phẩm nổi bật, giúp thương hiệu của CamLamOnline ngày càng lan tỏa.

Ông Nguyễn Phi Trường, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Chủ trang trại Ninh Hòa và chủ trang trại dừa Phượng Hoàng Farm (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) nhận định: Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là một hướng đi mới, không chỉ giúp nông dân tiếp cận người tiêu dùng mà còn tăng giá trị sản phẩm từ 10-20%. Tuy nhiên, để duy trì lòng tin, các sản phẩm cần được tiếp tục kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ sản xuất trước khi đến tay người tiêu dùng.

Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại điện tử trong việc đưa sản phẩm OCOP lên tầm cao mới. Đây không chỉ là giải pháp hiện đại hóa kênh phân phối mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng thương hiệu Khánh Hòa. Với tài nguyên phong phú, Khánh Hòa đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái theo chương trình OCOP.

Việc triển khai Chương trình OCOP tại Khánh Hòa đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Chương trình này không chỉ giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương mà còn thúc đẩy sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn chất lượng, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, nó còn thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo trong nhân dân, góp phần phát triển nền sản xuất theo hướng kinh tế thị trường.

Đến năm 2025, Khánh Hòa đặt mục tiêu đạt ít nhất 200 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, với các tiêu chí rõ ràng về nguồn nguyên liệu và sự ổn định trong sản xuất. Đồng thời, việc củng cố và phát triển các tổ chức kinh tế tham gia OCOP như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác hay hộ kinh doanh sẽ được chú trọng.

Cùng đó, tỉnh cũng đang hướng tới việc ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao thương hiệu, phân phối, và tiếp thị sản phẩm OCOP, qua đó tăng cường doanh số bán hàng của các đơn vị kinh tế. Đặc biệt, nguồn nhân lực trong hệ thống OCOP từ cấp tỉnh, huyện, xã đến các chủ thể kinh tế sẽ được nâng cao năng lực quản lý và điều hành.

Theo ông Lê Bá Ninh, để đạt được mục tiêu đưa ít nhất 80% sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử vào năm 2025, Khánh Hòa đã đề ra một loạt giải pháp và định hướng cụ thể như truyền thông và nâng cao nhận thức; tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, và dịch vụ đặc sắc dựa trên tiềm năng và lợi thế địa phương, đồng thời gắn kết chặt chẽ với phát triển cộng đồng.

Cùng đó, ưu tiên phát triển các hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ kết nối với các ngành nghề và dịch vụ ở khu vực nông thôn; tăng cường đào tạo quản lý, marketing cho các đơn vị sản xuất OCOP, đồng thời phát triển kỹ năng làm nông nghiệp và sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Với sự hỗ trợ từ chính sách và cam kết đổi mới, Khánh Hòa đang vững bước xây dựng thương hiệu OCOP gắn liền với bản sắc độc đáo, chất lượng vượt trội và giá trị kinh tế bền vững. Kết quả này không chỉ giúp nâng tầm sản phẩm địa phương, mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh Khánh Hòa đến với người tiêu dùng.

Anh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm