Đồng Tháp đưa gần 440 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Đến nay tỉnh Đồng Tháp đưa 438 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của 102 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo, Postmart, Tik Tok.

vna_potal_dong_thap_dua_san_pham_ocop_kinh_doanh_tren_san_thuong_mai_dien_tu_7584283.jpg
Trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Tháp Mười được giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp thông tin cho biết, tỉnh Đồng Tháp có mô hình thí điểm “Xã thương mại điện tử Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp”. Xã thương mại điện tử Mỹ Xương thực hiện việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chủ lực của xã thông qua các hình thức bán hàng trực tiếp, bán hàng gián tiếp và có ứng dụng công nghệ số trong thanh toán qua các giao dịch thương mại điện tử.

Các nông sản là đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương được quảng bá giới thiệu và kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Xã thương mại điện tử Mỹ Xương vừa qua đầu tư, nâng cấp website www.nongsancaolanh.com có tích hợp đặt hàng trực tuyến và liên kết với các sàn thương mại điện tử; tăng cường giới thiệu và nhân rộng mô hình “Cây xoài nhà tôi”; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử để quảng bá và kinh doanh sản phẩm; triển khai hỗ trợ hoạt động giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử, có áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

vna_potal_dong_thap_dua_san_pham_ocop_kinh_doanh_tren_san_thuong_mai_dien_tu_7584282.jpg
Trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Tháp Mười được giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Sản phẩm OCOP ở Đồng Tháp giúp gia tăng giá trị nông sản của tỉnh, điển hình là Hợp tác xã Sen Việt ở thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), nhiều năm qua đã góp phần đưa cây sen và các sản phẩm từ sen thành sản phẩm OCOP. Người dân và thành viên hợp tác xã đã bước đầu có thêm nguồn thu nhập ổn định từ cây sen tính ra cao hơn trồng lúa từ 2-3 lần. HTX tập trung vào sản xuất 3 sản phẩm chủ lực như “trà tâm sen Tâm An”, “trà lá sen Thanh An” và sản phẩm bột sữa sen của hợp tác xã đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Có 3 sản phẩm sản phẩm OCOP từ sen được đưa trên sàn thương mại điện từ và tiêu thụ rất mạnh ở trong nước.

Ông Trần Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết, đến nay, toàn huyện có 41 sản phẩm OCOP; trong đó, 4 sản phẩm đạt 4 sao và 37 sản phẩm đạt 3 sao. Thời gian qua, huyện phát triển các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP; củng cố, nâng cấp và thành lập mới hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ hợp tác phát triển sản phẩm theo Chương trình OCOP, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

vna_potal_dong_thap_dua_san_pham_ocop_kinh_doanh_tren_san_thuong_mai_dien_tu_7584277.jpg
Trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Tháp Mười được giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Bên cạnh phát triển thị trường truyền thống, huyện còn tập huấn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các kỹ năng bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử và đưa các sản phẩm từ 3-4 sao lên sàn thương mại điện tử.

Vừa qua các sản phẩm OCOP làm từ bột ở thành phố Sa Đéc được xếp hạng 4 sao như bột gạo lứt lúa mạch hạt sen, bánh hỏi khô, bột bánh xèo cốt dừa, nui gạo, bún gạo lứt, hủ tiếu gạo lứt, phở gạo lứt, hủ tiếu khô, phở khô…. Những sản phẩm OCOP làm từ bột gạo đã thâm nhập vào các hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử cung cấp cho người tiêu dùng.

vna_potal_dong_thap_dua_san_pham_ocop_kinh_doanh_tren_san_thuong_mai_dien_tu_7584275.jpg
Đồng Tháp trưng bày các sản phẩm OCOP có trên sản thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Sàn giao dịch thương mại điện tử đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển thị trường với kết quả mang lại tích cực. Khai thác tối đa tiềm năng trong thời đại số, thời gian qua, Cơ sở cá khô Tiến Phương ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự có 2 sản phẩm OCOP 3 sao được đưa lên kênh phân phối Tiktok để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là cánh tay nối dài giúp sản phẩm của cơ sở tiếp cận nhanh với người tiêu dùng, với chi phí đầu tư không quá lớn.

Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cũng vừa tổ chức 3 lớp tập huấn về thương mại điện tử; hỗ trợ đưa sản phẩm tỉnh Đồng Tháp lên sàn thương mại điện tử trong nước; trong đó có 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên ít nhất tại 1 sàn thương mại điện tử trong nước; hỗ trợ 5 doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử ngoài nước. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra vủa Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp là hỗ trợ phát triển website thương mại điện tử, tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của tỉnh Đồng Tháp qua các sàn thương mại điện tử: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Postmart,....

Ông Ngô Thanh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, sàn giao dịch thương mại điện tử đem lại nhiều lợi ích đối với chủ thể sản xuất, quy mô tiếp cận khách hàng vô cùng rộng lớn. Đồng thời tiết kiệm nhiều chi phí bán hàng, marketing truyền thông, phân phối và tối ưu chi phí lưu kho hiệu quả. Với những điểm nhấn trên sẽ giúp lợi nhuận của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã ở tỉnh Đồng Tháp có cơ hội sản xuất, tiêu thụ tăng.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại ở hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử và có 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn. Đặc biệt quan tâm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP; triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.

Hiện nay tỉnh Đồng Tháp có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (1 sản phẩm 5 sao; 86 sản phẩm 4 sao; 366 sản phẩm 3 sao) của 175 chủ thể.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm