Độc đáo trang phục cưới của người Dao họ

Độc đáo trang phục cưới của người Dao họ
Trang phục cưới cô dâu, chú rể

Ngày cưới là ngày hạnh phúc nhất của đôi vợ chồng, đây là dịp để chàng trai giới thiệu người vợ của mình với anh em, bạn bè, hàng xóm láng giềng nên việc ăn mặc trong lễ cưới luôn được cô dâu, chú rể cùng gia đình hai bên rất chú trọng.
 
Cô dâu, chú rể trong ngày cưới.
Cô dâu, chú rể trong ngày cưới.

Ngày cưới chú rể mặc áo cánh màu chàm dài quá bắp chân, đầu đội khăn vải màu chàm quấn tròn theo kiểu khăn sếp. Áo cánh mặc với quần trắng được cắt theo kiểu quần thụng, ống rộng dài quá mắt cá chân. Cổ đeo dây chuyền, vòng bạc trắng nổi bật trên nền chàm tạo sự sang trọng, mềm mại của bộ trang phục. Cách ăn mặc trong lễ cưới của chú rể người Dao họ rất giống với cách ăn mặc của nam giới người Kinh trước đây, chỉ khác là trang phục của họ được dệt từ sợi bông, với hai màu sắc chính là màu chàm và màu trắng. Bởi vậy mà người Dao họ còn được gọi là “Dao quần trắng”. Cách ăn mặc của chú rể trong lễ cưới luôn gọn gàng, trang trọng hơn rất nhiều cách ăn mặc ngày thường của nam giới.

So với chú rể, trang phục của cô dâu cầu kỳ, phức tạp hơn nhiều, nên trước khi về nhà chồng, cô dâu phải tự tay dệt vải, khâu vá, thêu thùa để làm ra những bộ trang phục đẹp nhất. Trang phục của cô dâu gồm: Áo cánh, quần cộc, khăn đội đầu, dây lưng và một số đồ trang sức trang trí. Áo cánh của cô dâu được cắt theo kiểu áo bốn thân, xẻ tà hai bên hông. Áo được cắt theo kiểu áo thụng chiết eo, dưới hơi loe kéo dài quá mông. Màu sắc chủ đạo là màu chàm được trang trí các đường viền màu xanh thẫm bằng chỉ màu ở các mép vải và phần séc tay.
 
Chỉnh trang quần áo cho cô dâu trước khi về nhà chồng.
Chỉnh trang quần áo cho cô dâu trước khi về nhà chồng.

Nét nổi bật trên trang phục cưới của cô dâu là chiếc yếm. Yếm được cắt theo hình chữ nhật, lên phía cổ được cắt vát chéo tạo thành hình đuôi cá để hở phần cổ tạo thành hình tam giác. Trên yếm được thêu nhiều họa tiết hoa tinh xảo như hoa văn hình học, hình móc câu, hình tam giác, hình chéo, hình rích rắc bằng các sợi chỉ màu nổi bật trên nền vải trắng. Bên cạnh các lớp hoa văn được thêu chìm còn có khối hoa văn nổi với nhiều họa tiết hoa văn khác nhau, nổi bật nhất là các hoa văn hình ngôi sao tám cánh với màu sắc rực rỡ như màu đỏ, hồng, xanh nổi bật trên thân yếm. Hai mép trên của yếm được đính hai dây vải dùng để buộc giữ yếm, phần đuôi được đính những sợi chỉ tua rua màu đỏ, vàng, tím, xanh tạo thành một dải để trang trí.

Áo cánh mặc với quần vải màu chàm được cắt cộc. Khi mặc họ dùng dây thắt lưng bằng vải quấn vòng quanh eo, đến vòng cuối họ buộc chéo dắt phần dây thừa vào trong để lộ ra phần đuôi dây lưng tua rua rực rỡ bên hông. Áo cánh được khoác bên ngoài không cài khuy để lộ phần yếm trang trí trước ngực, toàn bộ phần đuôi yếm sau khi mặc xong được vắt ngược về phía trước tạo màu sắc rực rỡ sắc màu trên trang phục của cô dâu. Bộ trang phục của cô dâu còn được trang trí thêm một số đồ trang sức như dây chuyền, vòng bạc trắng tạo nên nét nổi bật trên nền vải chàm.
Hai người phù dâu luôn đồng hành cùng cô dâu trong ngày cưới.
Hai người phù dâu luôn đồng hành cùng cô dâu trong ngày cưới.

Trang phục ngày cưới thể hiện sự giàu có, nết na…

Theo phong tục của người Dao họ, ngày cưới cô dâu thường mặc từ 3 - 5 bộ quần áo thể hiện sự sang trọng, giàu có, quý phái của gia đình cô dâu. Những cô dâu có nhiều trang phục đi theo luôn được mọi người khen ngợi là biết làm ăn giỏi, nết na, giàu có, luôn được mọi người tôn trọng. Hai người phụ dâu luôn đồng hành cùng cô dâu để giúp cô dâu thay trang phục vì sau khi làm lễ cúng gia tiên trên đường đưa dâu, cô dâu cởi bớt trang phục đưa cho hai người phụ dâu giữa. Khi đi gần đến cổng nhà trai, hai người phụ dâu lại giúp cô dâu mặc lại trang phục vào làm lễ nhập gia tiên gia đình nhà trai. Đến khi kết thúc nghi lễ hai người phụ dâu sẽ giúp cô dâu thay quần áo cưới cất đi. Trang phục của cô dâu, chú rể được cất gọn gàng, khi gia đình có việc trọng đại họ mang ra mặc hoặc để dành sau này cho con khi xây dựng gia đình.

Ngày nay, đời sống kinh tế xã hội của người Dao họ đã có nhiều thay đổi, một số nghi thức trong lễ cưới truyền thống đã giảm dần do sự giao lưu văn hóa giữa người Dao với các dân tộc trong vùng ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt với người Kinh. Nhiều gia đình đã không còn tổ chức lễ cưới theo nghi thức truyền thống, nhưng cách ăn mặc theo trang phục truyền thống của cô dâu, chú rể trong các lễ cưới vẫn được các thế hệ trân trọng, gìn giữ.
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm