Độc đáo Tết hoa mào gà của dân tộc Cống ở xã biên giới Pa Thơm, Điện Biên

Độc đáo Tết hoa mào gà của dân tộc Cống ở xã biên giới Pa Thơm, Điện Biên

Để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp cũng như khơi dậy ý chí đoàn kết của đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn huyện Điện Biên, ngày 27/11, UBND huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) tổ chức lễ hội Tết hoa mào gà dân tộc Cống (xã Pa Thơm) năm 2023.

Độc đáo Tết hoa mào gà của dân tộc Cống ở xã biên giới Pa Thơm, Điện Biên ảnh 1Thầy cúng chuẩn bị lễ vật cho nghi thức cúng Tết. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Tết hoa mào gà (Tết hoa dân tộc Cống) đã được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ngày 29/8/2019. Lễ hội diễn ra thường niên vào khoảng tháng 11, tháng 12 Dương lịch hàng năm (thường vào rằm tháng 10 Âm lịch). Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Cống tỉnh Điện Biên nói chung và dân tộc Cống xã Pa Thơm nói riêng.

Lễ hội diễn ra từ hai đến ba ngày và chia thành 2 phần gồm: Phần lễ và phần hội. Lễ cúng diễn ra vào một buổi xế chiều, vì theo quan niệm của đồng bào dân tộc Cống là tổ tiên, người đã khuất và các vị thần linh chỉ về nhà, về bản vào buổi xế chiều đến ban đêm. Những ngày này, nhân dân trong bản sẽ dâng lễ vật gồm: Gạo, bánh chưng, củ, quả đã trồng được trên nương tại nhà thầy cúng. Sau nghi lễ này, các gia đình trong bản bắt đầu cúng gia tiên để dâng lên tổ tiên, những người đã khuất.

Độc đáo Tết hoa mào gà của dân tộc Cống ở xã biên giới Pa Thơm, Điện Biên ảnh 2Phụ nữ dân tộc Cống chuẩn bị cho ngày Tết hoa mào gà. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Dân tộc Cống canh tác chủ yếu là làm ruộng nước và nương rẫy, một năm một vụ chính; ngoài ra, còn trồng trọt các loại rau màu trên đất bãi ven sông, suối, phát triển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm. Người dân tộc Cống có đời sống tinh thần phong phú thông qua các phong tục, tập quán, lễ hội như: Tết hoa, lễ cúng bản, lễ cúng tổ tiên, lễ cưới, lễ lên nhà mới, lễ tạ ơn... Trong đó, Tết hoa mào gà là lễ hội độc đáo nhất; bởi đây là nghi lễ trong ngày Tết cổ truyền của người Cống, có nghĩa là kết thúc một năm cũ.

Độc đáo Tết hoa mào gà của dân tộc Cống ở xã biên giới Pa Thơm, Điện Biên ảnh 3Phụ nữ dân tộc Cống trang trí hoa mào gà cho ngày Tết. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Các nghi lễ diễn ra trong lễ hội Tết hoa mào gà ngoài yếu tố thiêng liêng còn có sự tham gia của các yếu tố nghệ thuật trình diễn dân gian, cuốn hút cả cộng đồng cùng hướng về cội nguồn tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn tới các thần linh, các quan thần thổ địa nơi đồng bào sinh sống. Tết Hoa mào gà còn là dịp để đồng bào Cống nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn sau những ngày lao động miệt mài vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là dịp để mọi người cùng hướng về cội nguồn, để con cháu tạ ơn ông bà, cha mẹ; tạ ơn trời đất, thần linh… đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh; cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới...

Độc đáo Tết hoa mào gà của dân tộc Cống ở xã biên giới Pa Thơm, Điện Biên ảnh 4Người dân trong bản mang lễ vật đến nhà thầy cúng chuẩn bị cho nghi thức cúng ngày Tết. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Độc đáo Tết hoa mào gà của dân tộc Cống ở xã biên giới Pa Thơm, Điện Biên ảnh 5Người dân tộc Cống ở Pa Thơm mặc trang phục truyền thống đón Tết hoa mào gà. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Ông Nạ Văn Phanh, thầy cúng của đồng bào Cống (xã Pa Thơm) cho biết, với đồng bào dân tộc Cống, hoa mào gà là hoa linh thiêng nên không thể thiếu trong lễ cúng. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc nơi đây, hoa mào gà là hoa để xua đuổi tà ma phá hoại mùa màng; là cầu nối tâm linh giữa các thành viên trong gia đình và những người đã khuất. Theo lưu truyền, nếu lễ hội chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát… Buổi tối, khi men rượu đã ngấm, mọi người tập trung ở nhà văn hóa gõ chiêng, hát múa tưng bừng. Cả bản cùng hân hoan trong tiếng chiêng đồng âm vang, cùng nhảy múa, hát ca. Mọi người đến xem hò reo, cổ vũ náo nhiệt, khiến không khí của lễ hội thêm tưng bừng...

Độc đáo Tết hoa mào gà của dân tộc Cống ở xã biên giới Pa Thơm, Điện Biên ảnh 6Thầy cúng của bản thực hiện nghi lễ cúng trong ngày Tết. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Theo ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, các chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần ổn định cuộc sống của đồng bào nơi đây; nhờ đó, không còn tình trạng di cư tự do như trước nữa. Cùng với đó, đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Cống ngày một cải thiện, cơ sở hạ tầng kinh tế ngày một nâng cao, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững... Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động đồng bào phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người dân tộc Cống nói riêng, đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn xã Pa Thơm nói chung. Qua đó, củng cố, lưu truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ sau và phát huy thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc nhằm thu hút người dân và khách du lịch đến địa phương.

Trung Kiên

(TTXVN)
Dân tộc Cống Dân tộc Cống

Tên tự gọi: Xắm khống, Phuy A.

Dân số: 2.029 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến (ngữ hệ Hán - Tạng) gần hơn với tiếng Miến, cùng nhóm với các tiếng La Hủ, Phù Lá, Si La... Họ quen sử dụng tiếng Thái trong giao dịch hàng ngày.

Lịch sử: Người Cống có nguồn gốc di cư trực tiếp từ Lào sang.

Hoạt động sản xuất: Nguồn sống chính là làm nương, đang chuyển sang làm nương cuốc, ruộng. Hái lượm còn giữ vai trò quan trọng. Người Cống không quen dệt vải, chỉ trồng bông để đổi lấy vải của các dân tộc khác. Họ giỏi đan chiếu mây nhuộm đỏ, các đồ đựng bằng tre nứa như gùi đeo, giỏ đựng cơm, rương hòm... Chuyển xuống định cư ven sông Ðà, nên người Cống quen dần với việc sử dụng thuyền trên sông.

Ăn: Người Cống ăn cơm nếp và cơm tẻ.

Mặc: Y phục của người Cống giống người Thái. Một ít gia đình còn giữ lại vài bộ y phục truyền thống bằng vải dệt của người Lào.

: Nhà sàn ba hay bốn gian, chỉ có một cửa ra vào, một cửa sổ ở gian giữa, chạy dọc theo vách mặt chính của nhà có thêm một chiếc sàn nhỏ ít có giá trị sử dụng nhưng nhà nào cũng có là đặc trưng trong nhà người Cống.

Phương tiện vận chuyển: Người Cống quen sử dụng thuyền đi lại trên sông Ðà và gùi đeo qua trán khi đi nương, đi rẫy.

Quan hệ xã hội: Người Cống ở khá tập trung trong các làng bản có quy mô vừa và lớn. Tính cộng đồng làng bản cao. Phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình cũng như xã hội.

Trong xã hội cổ truyền, chưa có sự phân hoá giai cấp, chịu sự chi phối chặt chẽ của hệ thống chức dịch người Thái.

Dân số ít song người Cống có tới 13 dòng họ khác nhau. Ða số các dòng họ mang tên Thái như: Lò, Quang, Kha... dấu vết tô tem giáo còn rõ nét với tục kiêng và thờ các loại chim muông, thú vật. Mỗi dòng họ thường có người đứng đầu với chức năng chủ trì các công việc liên quan tới đời sống tinh thần.

Cưới xin: Hôn nhân một vợ một chồng chặt chẽ. Không có đa thê, ly dị trong xã hội truyền thống.

Tục ở rể được thực hiện nghiêm ngặt, trước kia khoảng 8 - 12 năm. Lễ vật truyền thống trong lễ xin con trai tới ở rể thường vào buổi tối là gói muối, gói chè, cuộn dây gai đan chài, hay một ống rượu cần... Ngay sáng hôm sau, người con trai mang chăn, gối, con dao tới nhà gái ở rể, cũng từ đó người con gái búi tóc ngược đỉnh đầu, dấu hiệu của người đã có chồng.

Lễ đón dâu về nhà trai khi hạn ở rể đã hết, lúc đó đôi vợ chồng đã con cái đầy nhà. Của hồi môn bố mẹ cho con cái mang về nhà chồng. Nếu nhà trai người cùng bản phải cõng cô dâu về tận nhà. Trong ngày cưới, người ta không mặc quần áo mới vì có tục vẩy nước tro lên đoàn đón dâu trước khi ra về để cầu may.

Sinh đẻ: Sản phụ đẻ ngồi. Trước và sau khi đẻ phải kiêng kỵ nhiều thứ. Người Cống rất giỏi trong việc tìm kiếm lá thuốc để chăm sóc phụ nữ khi sinh nở.

Ma chay: Khi nhà có người chết, phải mời thầy mo tới làm lễ cúng đưa hồn về với tổ tiên. Việc chọn ngày chôn được coi trọng. Trong những ngày trước hôm chôn, thường phải cúng cơm cho người chết, buổi tối có các nghi thức nhảy múa truyền thống. Sau khi táng có làm nhà mồ đơn giản. Mười hai ngày sau khi chôn người chết, con cháu mới lập bàn thờ trong nhà. Con cái để tang cha mẹ bằng cách cạo trọc đầu (con trai), cắt tóc mai (con gái) và đội khăn tang cho tới khi cúng cơm mới, mới được bỏ.

Thờ cúng: Cùng với việc cúng tổ tiên 2, 3 đời theo phụ hệ là việc cúng ma bố mẹ vợ vào dịp tết. Bố chủ trì việc cúng. Nếu bố chết, mẹ thay thế. Khi anh em chia nhà ra ở riêng, mỗi người con trai lập bàn thờ cúng riêng tại nhà mình. Lễ vật cúng tổ tiên chỉ có bát gạo, ống nước và con gà. Người cúng ôm gà ngồi trước bàn thờ khấn, xong giết gà ngay tại chỗ, bôi máu vào lá dong, gói lại cài lên vách nơi thờ cúng vài ba chiếc lông gà.

Hàng năm cứ đến tháng ba âm lịch, các bản đều tổ chức lễ cúng bản trước vụ gieo hạt, các ngả đường vào bản làm cổng, cắm dấu hiệu kiêng kỵ một ngày không ai được vào bản.

Các gia đình đều làm lễ cúng trên nương trước khi kết thúc công việc tra hạt. Ðêm đó chủ nhà làm lễ cúng ở phía trên lều nương; lễ vật chỉ có cá, cua, cầu mong chim thú không phá hại; trồng vài khóm kiệu cầu xin lúa tốt, xanh tươi như khóm cây này.

Học: Việc giáo dục truyền thống thông qua kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác kết hợp với thực hành.

Văn nghệ: Người Cống thường hát múa vào dịp lễ tết, nhất là trong đám cưới. Hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái hôm đón dâu ở chân cầu thang trước khi lên nhà thực sự là một cuộc thi hát dân gian. Trai gái, già trẻ đều vui múa trong ngày cưới. Ðặc biệt là điệu múa đầu tiên do các em gái của chàng rể trình diễn để bắt đầu cuộc vui. Họ vừa múa, vừa giơ cao các tặng vật truyền thống như con gà, con sóc, cá khô mà người anh trai tặng mình.

vna_potal_tet_hoa_mao_ga_cua_dong_bao_dan_toc_cong_o_xa_bien_gioi_pa_thom_dien_bien_7100996.jpg
Thầy cúng của bản thực hiện nghi lễ cúng trong ngày Tết hoa mào gà. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Chơi: Các trò chơi tập thể như đuổi bắt, đánh khăng... được trẻ em ưa thích. Ngoài ra, chúng còn chơi các loại đồ chơi bằng tre gỗ tự chế.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm