Theo ghi chép của của người Khmer, việc cúng dường trai tăng được người phật tử noi theo tấm gương chí hiếu của Tôn giả Ðại Hiếu Mục Kiền Liên khi xưa. Vì chính Tôn giả là người đứng ra tổ chức thiết lễ trai tăng cúng dường đầu tiên để cầu siêu cho thân mẫu của Ngài. Ðó là Ngài vâng theo lời Phật dạy. Từ đó, mới có lễ cúng dường trai tăng truyền thống này.
Các nhà sư thực hiện nghi lễ. Ảnh: vinaculto |
Noi theo truyền thống đó, nên người phật tử mỗi khi trong thân quyến có người thân qua đời (thông thường là đến 49 ngày cúng chung thất) thì họ thường thiết lễ cúng dường trai tăng ở trong chùa hoặc có đôi khi tổ chức tại tư gia. Ðiều này còn tùy thuộc vào khả năng và hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng phần lớn là người phật tử thường tổ chức lễ trai tăng ở trong chùa vì có nhiều tiện lợi. Ðiều quan trọng là ở nơi tấm lòng thành kính của mình, khi thiết lễ dâng cúng, sự sum họp có mặt đông đủ của con cháu làm cho linh hồn người mất cũng được an vui hơn.
Theo lệ thường, trước ngày cúng tuần chung thất, trong tang quyến đến chùa (thường là ngôi chùa nơi thờ linh cốt của người mất) trình bày về việc thiết lễ cúng dường trai tăng cho vị trụ trì hoặc tăng, ni của ngôi chùa đó biết, để tiện bề sắp xếp và cung thỉnh Chư Tôn Đức Tăng Ni. Việc cung thỉnh Chư Tôn Đức Tăng Ni tham dự chứng minh của buổi lễ này nhiều hay ít đều do thân nhân trong tang quyến quyết định.
Mùa an cư là thời gian quan trọng nhất trong năm của hàng Tỳ kheo mà ý nghĩa tu học trong môi trường hoà hợp thanh tịnh được nổi bật nhất. Mỗi mùa an cư là một tuổi đạo của cuộc đời một Tỳ kheo. Đây là một tư tưởng vô cùng quan trọng và thiết thực của Tăng chúng, thể hiện lòng từ bi đối với muôn loài chúng sanh. Đây cũng là thời gian thuận tiện cho giới cư sĩ tại gia có dịp thân cận chư Tăng học tập giáo pháp, đồng thời là cơ hội tạo phước báo nhân thiên qua việc hộ trì chúng Tăng trong suốt mùa An cư.
Mở đầu buổi lễ khất thực là lời tụng niệm, thuyết pháp của các vị Acha, sau đó các vị sư tụng kinh, làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực và cũng để đưa vật thực đến các linh hồn ông bà, cha mẹ quá cố. Giữa buổi tụng niệm, các vị sư dừng lại hưởng vật thực mà người dân dâng lên. Sau đó, các vị sư tụng kinh chúc phúc cho thí chủ và cầu siêu cho những linh hồn đã khuất.
Các thành viên trong gia đình thực hiện cúng dường. Ảnh: vinaculto |
Lễ Trai tăng là một nghi lễ rất quan trọng đối với người Khmer ở Sóc Trăng. Đó không chỉ là tấm lòng của tín đồ đối với các vị sư sãi mà còn thể hiện tấm lòng của người còn sống đối với người đã chết, đối với thần linh và cả những linh hồn thiếu đói. Cho nên, dù bận bịu trăm công nghìn việc, dù nghèo khó cơ hàn, người Khmer cũng tìm mọi cách để chuẩn bị đầy đủ thức ăn, cơm canh, bánh trái mang đến chùa. Đó là một phong tục truyền thống tốt đẹp của người Khmer được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo cinet.vn