Lễ hội “Ăn trâu cúng thần được một ngàn gùi lúa” của người Mạ. Ảnh: Internet |
Theo già làng nơi đây kể lại: Xưa kia sau thu hoạch, khi được một ngàn gùi lúa thì lễ hội mới được tổ chức để tạ ơn Yàng đã mang tới mùa màng no ấm, cầu cho dân làng được no đủ ở các mùa sau, đây là ngày vui của cả buôn làng người Mạ. Trong đó nghi thức đâm trâu là một phần quan trọng, không thể thiếu trong lễ hội. Lễ hội “Ăn trâu cúng thần được một ngàn gùi lúa” theo tiếng Mạ là “Tăk năng nhô sa rpu hrak Yàng dùl rbô xah còi” gồm có 3 nghi lễ. Nghi lễ thứ nhất là “Sa sur hsăc Yàng”, tức là lễ “Ăn heo hẹn Yàng” mang ý nghĩa xin phép các vị thần cho phép được tổ chức lễ đâm trâu . Nghi lễ thứ hai là dựng cây nêu và nghi lễ thứ ba là lễ đâm trâu. Người Mạ bắt đầu lễ hội bằng nghi thức đón khách, máu gà được người Mạ chuẩn bị sẵn, khi khách tới sẽ uống thể hiện tình gắn kết, ngoài ra bột gạo và rượu cũng là những thứ không thể thiếu trong nghi thức này. Đây vừa là nghi thức xua đuổi tà ma, tránh xui xẻo cho dân làng, vừa là một hình thức tiếp đón trọng thị trong ngày cúng Yàng. Già làng tuyên bố nghi thức Lễ Ăn trâu. Ảnh: Internet
Suốt buổi tối người dân và khách ở xa sẽ cùng nhau đánh cồng chiêng, nhảy múa, ca hát. Sáng sớm hôm sau, cả làng tập trung tại nhà dài, sau khi già làng đọc lời khóc trâu, nghi thức đâm trâu được tiến hành. Già làng là người uy tín trong cộng đồng sẽ đứng ra thực hiện nghi thức này, di chuyển quanh khu vực cọc trâu dùng xà gạc chặt đứt gân chân sau cho trâu khụy xuống, sau đó một chàng trai ưu tú của làng sẽ dùng lao nhọn đâm thẳng vào tim trâu và chỉ đâm duy nhất một mũi, nếu trâu không chết thì đó sẽ là điều xui xẻo đối với cả làng.
Dân làng múa chiêng quanh cây nêu mời Yàng về dự lễ hội. Ảnh: Internet
Nghi thức giã gạo mừng được một ngàn gùi lúa diễn ra ngay sau lễ đâm trâu. Ảnh: Internet
Nghi thức kết thúc khi già làng đem chiêng và tấm thổ cẩm trắng tới chia của cho trâu (vật hiến tế) để về với Yàng (trời). Sau đó trâu được xẻ thịt chia đều cho các thôn để cùng vui hội. Bên cạnh nghi lễ cúng, lễ hội cũng diễn ra các hoạt động diễn xướng cồng chiêng, ca múa giao lưu giữa các thôn người Mạ. Ngoài ra còn có các hoạt động ẩm thực, dệt thổ cẩm, thi đan gùi, giã gạo, các trò chơi dân gian cũng được tổ chức như bắn nỏ... Đây là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa truyền thống người Mạ ở Lâm Đồng. |