Diện mạo mới trên vùng đất anh hùng

U Minh Thượng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang). Bước ra từ bom đạn, chiến tranh với nhiều đau thương, mất mát, U Minh Thượng hôm nay đang hồi sinh mạnh mẽ...

Khởi sắc ở vùng căn cứ cách mạng U Minh Thượng

Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, U Minh Thượng là vùng căn cứ địa cách mạng, nơi chi bộ đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang được thành lập. Trên từng tấc đất nơi đây, máu của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ đã đổ xuống để giành lại độc lập, tự do.

cuoc song moi o u minh thuong 1B.JPG
Từ vùng đất hoang vu, căn cứ địa cách mạng, đến nay xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đã được phủ xanh bởi diện tích cây ăn trái, hệ thống cơ sở hạ tầng thông suốt, nhà cửa khang trang. Ảnh: An Hiếu
cuoc song moi o u minh thuong 11A.JPG

Từ một huyện nghèo, thuần nông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ chậm phát triển, nhờ chuyển dịch đúng hướng, đến nay kinh tế phát triển khá ổn định, góp phần tạo nên diện mạo mới cho huyện U Minh Thượng” - Ông Dương Quốc Khởi - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).

Đến U Minh Thượng những ngày đầu xuân, chúng tôi không còn bắt gặp cảnh heo hút, lầy lội như trước kia, thay vào đó là những tuyến đường nhựa, bê tông được trải tới tận ấp, minh chứng cho một cuộc sống mới đã về với đồng bào. Tại xã An Minh Bắc, đồng bào phát triển hơn 2.400 ha chuối xiêm, cuộc sống nhờ đó được cải thiện rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Đen, Bí thư, trưởng ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc cho biết: “Toàn ấp có 416 hộ, trong đó có 64 hộ đồng bào dân tộc Khmer. Các hộ trong ấp không chỉ trồng chuối xiêm mà còn trồng xoài, bưởi; đầu tư nuôi cá nâng cao thu nhập. Điển hình là hộ ông Lý Văn Tình với 2 ha xoài, bưởi, nuôi ốc bươu, thả cá, thu nhập 200 triệu đồng/năm. Năm 2023, thu nhập bình quân của người dân trong ấp đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,36%”.

cuoc song moi o u minh thuong 9A.JPG
Khu Chứng tích Chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ anh hùng liệt sĩ, người có công huyện Vĩnh Thuận là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Ảnh: An Hiếu

Ghé thăm xã Minh Thuận, đi trên con đường trải nhựa thẳng tắp, hai bên đường là những vườn hoa đang vào độ rực rỡ, những ngôi nhà khang trang, chúng tôi cảm nhận rõ nét xuân đang về. Ông Danh Út, Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng ấp Minh Tân phấn khởi chia sẻ, gia đình ông hiện có 11 ha lúa, mỗi năm sản xuất 2 vụ, thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng/năm. Những năm vừa qua, việc sản xuất của nông dân rất thuận lợi, hiệu quả nên tỷ lệ hộ nghèo trong ấp đã giảm dần theo từng năm. Theo số liệu của Ủy ban Nhân dân xã Minh Thuận, toàn xã hiện chỉ còn khoảng 4% hộ nghèo, bình quân thu nhập đạt 50 triệu đồng/người/năm. Kinh tế chủ yếu là trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi cá hoặc trồng cây ăn trái kết hợp trồng rau màu.

cuoc song moi o u minh thuong 2.JPG
Giải quyết tốt các vấn đề xã hội giúp đời sống người dân U Minh Thượng không ngừng được nâng lên. Ảnh: An Hiếu
cuoc song moi o u minh thuong 3.JPG
Cán bộ phòng nông nghiệp huyện tham quan mô hình lúa chất lượng cao của gia đình ông Danh Út (bên trái), người Khmer ở ấp Minh Tân, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng. Ảnh: An Hiếu

Ông Dương Quốc Khởi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện U Minh Thượng cho biết, bình quân mỗi hộ trong huyện có 4 ha đất sản xuất. Người dân vừa trồng lúa, rau màu, chuối xiêm, vừa nuôi thủy sản, bình quân thu nhập đạt 61 triệu đồng/người/năm. Năm 2023, huyện U Minh Thượng đặc biệt chú trọng công tác giảm nghèo, vấn đề giải quyết việc làm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện còn 3,96% (giảm 2,41% so với năm 2022).

Đồng lòng xây dựng và phát triển quê hương

Đến Vĩnh Thuận đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, chúng tôi cảm nhận được không khí thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) đang diễn ra sôi nổi trên địa bàn huyện. Ông Châu Ngọc Cẩn, Bí thư Đảng ủy xã Phong Đông cho biết: “Phong Đông là một trong 3 xã có đông đồng bào Khmer sinh sống của huyện Vĩnh Thuận. Đồng bào Khmer chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, diện mạo xã không ngừng đổi thay và phát triển, đời sống đồng bào Khmer tiếp tục được cải thiện và nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 giảm còn 3,8%, thu nhập bình quân đạt 54,5 triệu đồng/người/năm".

cuoc song moi o u minh thuong 13B.jpg
Là huyện thuộc vùng U Minh Thượng, diện mạo Vĩnh Thuận hôm nay đổi thay vượt bậc. Ảnh: An Hiếu

Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, người dân ấp Kinh 2A, xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, qua đó nâng cao thu nhập cho đồng bào. Điển hình là hộ ông Lê Văn Đói với mô hình trồng lúa xen kẽ mướp đắng, dưa leo trên 2 ha đất, thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/vụ; hộ bà Thị Bươl, chỉ với một diện tích nhỏ trồng màu nhưng nhờ biết canh tác xen canh các loại rau nên đã thoát nghèo...

cuoc song moi o u minh thuong 10A.JPG
Con em đồng bào dân tộc Khmer ở vùng đất cách mạng xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận. Ảnh: An Hiếu
cuoc song moi o u minh thuong 12A.jpg
Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở huyện An Biên, nơi chăm sóc, đào tạo, học tập của các thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số vùng U Minh Thượng. Ảnh: An Hiếu

Ông Võ Thanh Xuân, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Vĩnh Thuận cho biết, Vĩnh Thuận hiện có 7/7 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đạt 62 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,8%. Phát huy truyền thống cách mạng, huyện sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu đến năm 2025, 7/7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 1 xã trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Thu Hương

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)