Đặc sản cam giòn Thượng Lộc "cháy" hàng dịp Tết

Xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) lâu nay nổi tiếng với giống cam giòn đặc sản. Càng cận kề Tết Nguyên đán, giá cam Thượng Lộc càng tăng mạnh, có nơi giá lên đến 150.000 đồng/kg, tuy nhiên theo nhiều nhà vườn vẫn không có cam để bán.

vna_potal_ha_tinh_cam_thuong_loc_dat_hang_dip_tet_7213953.jpg
Nhờ chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên nhiều cam đạt năng suất từ 1,5-3 tạ/ cây. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Nhà vườn Thanh Hiền ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc trồng hơn 1.000 cây cam trên diện tích 2 ha vườn đồi; trong đó cây cam giòn chiếm 1 nửa diện tích, còn lại là cam chanh và cam bù. Vườn cam Thanh Hiền nổi tiếng bởi những gốc cam cổ thụ đạt năng suất cao, chất lượng cam ngọt nhờ chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật.

Bà Phan Thị Hiền, chủ vườn cam Thanh Hiền cho biết, năm nay vườn cam Thanh Hiền cho sản lượng hơn 20 tấn cam. Thời điểm cận Tết hiện nay, giá cam giòn tại vườn là 100.000 đồng/kg, tuy nhiên vẫn không có để bán. Cam giòn vẫn còn trên cây nhưng do khách mua hàng là khách quen, các cửa hàng hoa quả sạch đã đặt trước nên bà con đang huy động tối đa nhân lực để cắt cam, đóng thùng gửi đi cho khách.

Hợp tác xã Trà Sơn hiện có 12 thành viên với diện tích cam hơn 15 ha, ngoài ra hợp tác Trà Sơn còn liên kết tiêu thụ cam cho hàng chục hộ dân ở các xã vùng trà sơn Can Lộc. Sản phẩm chủ yếu của Hợp tác xã Trà Sơn là cam giòn với thương hiệu cam giòn Xuân Hòa đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Thương hiệu cam Xuân Hòa được Hợp tác xã Trà Sơn Thượng Lộc xây dựng dựa trên cơ sở duy trì và phát triển giống cam giòn Thượng Lộc, với mong muốn mang đặc sản của người dân Thượng Lộc nói riêng và cả tỉnh Hà Tĩnh nói chung vươn xa, không những “phủ sóng” toàn quốc mà xa hơn nữa là hướng đến thị trường xuất khẩu.

Anh Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Trà Sơn cho biết, thương hiệu cam giòn Xuân Hòa đến nay đã được phủ kín thị trường trong nước và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn bởi chất lượng thơm ngon đặc trưng. Giá bán cam giòn Xuân Hòa thời điểm đầu mùa dao động từ 70.000 đồng/kg, tuy nhiên đến dịp cận Tết này, giá đã lên đến 150.000 đồng/kg. Khách hàng chủ yếu mua đóng thùng từ 10 kg để làm quà biếu.

vna_potal_ha_tinh_cam_thuong_loc_dat_hang_dip_tet_7213960.jpg
Các nhà vườn, hộ gia đình trồng cam tại Thượng Lộc đang huy động tối đa nhân lực để cắt cam, đóng gói gửi đi cho khách. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Cam Thượng Lộc được trồng và phát triển từ những năm 1996 tại vùng Trà Sơn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Cây cam giòn có khả năng chịu rét, chịu hạn tốt, chống sâu bệnh cao và đặc biệt cho quả đều và hoàn toàn không bị nứt vỏ trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung.

Cam giòn có hình cầu, vỏ nhẵn, kích thước nhỏ hơn cam chanh và khi chín vỏ có màu vàng tươi. Cam giòn có trọng lượng trung bình khoảng 250 - 350gr/quả. Đặc biệt, loại cam này khi chín có vị ngon ngọt, đậm đà, độc đáo, mùi thơm rất hấp dẫn, khi ăn có cảm giác mát, giòn tan. Ngoài ra, quả cam giòn nhiều nước, ít hạt, ít xơ, tép quả và nước đều có màu vàng.

Nổi tiếng nhờ chất lượng và hình thức đẹp, quả đều nên cam giòn Thượng Lộc nhiều năm nay được lựa chọn làm món quà biếu các dịp lễ, Tết. Chị Trần Tú Anh, làm việc tại thành phố Hà Nội cho biết thường chọn mua cam giòn để làm quà biếu dịp Tết và để gia đình dùng, mặc dù giá cả cao hơn các loại khác, tuy nhiên chất lượng thì không thể chê được.

Ông Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết, hiện nay toàn xã có hơn 600 hộ trồng cam trên diện tích hơn 230 ha; trong đó có hơn 150 ha cho thu hoạch. Năm nay, sản lượng cam toàn xã ước đạt hơn 1.875 tấn, dự kiến thu về gần 47 tỷ đồng.

Sau gần 20 năm phát triển, cam Thượng Lộc đã khẳng định vị trí là cây trồng chủ lực của địa phương, bởi sự thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, có hương vị đậm đà và mang lại giá trị kinh tế cao với 2 giống chủ yếu là cam chanh và cam giòn. Cùng với những vùng trồng cam lớn như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, thương hiệu cam Thượng Lộc đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường, nâng cao thu nhập cho các xã vùng trà sơn Can Lộc.

Nhờ tăng cường xúc tiến thương mại tiêu thụ cam, người dân Can Lộc cũng tăng cường quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông, mạng xã hội… Do vậy, nhiều nhà vườn đã tìm được đầu ra bền vững thông qua các nhà phân phối. Đặc biệt, một số nhà vườn đã được các siêu thị lớn trong nước nhận bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao thương hiệu cam Thượng Lộc.

Hoàng Ngà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm