Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 238 sản phẩm OCOP. Dịp Tết Nguyên đán 2024, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, các cơ sở phải đẩy mạnh sản xuất mới có đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường phục vụ khách hàng.
Gần 1 tháng nay, 12 nhân công của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát ở xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) luôn tất bật với các công việc làm cá khô, tôm khô, mắm chao tôm để đảm bảo nguồn hàng giao cho khách. Bà Lê Thị Kim Thoa, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, đơn vị có 5 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: tôm khô, khô cá lóc, khô cá kèo, mắm tôm chao và mắm lóc.
Theo bà Thoa, số lượng khách đặt các đơn hàng từ đầu tháng 1/2024 đến nay liên tục tăng và mỗi tuần hợp tác xã bán ra khoảng 1,5 tấn hàng; trong đó, chủ yếu là tôm khô, khô cá lóc, khô cá kèo, khô cá sặc bổi. Khách hàng của hợp tác xã đa phần là khách mối, họ đã mua dùng sản phẩm thấy ngon nên tiếp tục ủng hộ. Ngoài ra, hợp tác xã còn bán cho một số cơ quan, doanh nghiệp đặt mua để làm quà cho đối tác.
“Các sản phẩm tôm khô, cá khô của hợp tác xã Hiểu Phát được khách Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mua thường xuyên và họ đặt nhiều vào dịp tết để làm quà tặng. Sản phẩm của hợp tác xã làm thủ công và tuyệt đối không dùng phẩm màu, chất bảo quản để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đảm bảo sản phẩm tươi ngon, vị vừa ăn… bên cạnh chọn mua nguồn nguyên liệu cá, tôm tươi sống, kích cỡ phù hợp tôi còn trực tiếp ướp gia vị của từng sản phẩm. Chúng tôi làm kỹ trong từng công đoạn để tôm khô, cá khô nhìn bắt mắt và thơm ngon nhằm góp phần gìn giữ thương hiệu OCOP của tỉnh Kiên Giang”, bà Lê Thị Kim Thoa chia sẻ thêm.
Là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh, thị trường kinh doanh yến ở Kiên Giang những ngày tháng Chạp cũng nhộn nhịp hẳn lên. Ông Nguyễn Phương Duy, chủ cửa hàng yến sào Tây Nam ở thành phố Hà Tiên chia sẻ, vào các dịp Tết Nguyên đán cửa hàng bán từ 70-80kg yến thô và yến tinh chế. Dịp Tết các năm trước giá yến thường tăng làm giảm số lượng khách mua hàng. Rút kinh nghiệm những năm trước, từ Tết Quý Mão 2023 và Tết Giáp Thìn 2024 này, cửa hàng chủ động trữ nguồn hàng từ sớm để không tăng giá bán ở thời điểm cuối năm.
“Tôi có 2 nhà nuôi yến, thu hoạch khoảng 240kg/năm. Cửa hàng yến sào Tây Nam bán cho khách hàng chủ yếu là người địa phương và khách du lịch đến thành phố Hà Tiên. Những năm trước, tôi thường bán số lượng lớn yến cho thương lái sau thu hoạch. Riêng năm nay, tôi giữ lại toàn bộ số lượng yến thu hoạch để dành bán lẻ yến thô và yến tinh chế phục vụ thị trường Tết với giá ổn định. Giá tổ yến thô hiện dao động từ 1,8-2,8 triệu đồng/100g tùy kích cỡ, hình dáng, ít lông hay nhiều lông; yến tinh chế dao động từ 3,2-4,2 triệu đồng/100g. Khoảng 1 tháng nay, số lượng yến bán được nhiều là dấu hiệu đáng mừng”, ông Nguyễn Phương Duy cho biết thêm.
Cùng với nhiều sản phẩm OCOP bán chạy trong dịp cuối năm ở Kiên Giang, từ đầu tháng 1/2024 đến nay, sản phẩm Trà mãng cầu xiêm Hai Đậu ở xã Thạnh Hòa, huyện Giồng Riềng cũng luôn đắt hàng. Ông Nguyễn Tấn Đậu, chủ cơ sở Trà mãng cầu xiêm Hai Đậu cho biết, trước đây trung bình mỗi tháng cơ sở bán ra thị trường khoảng 150kg trà thành phẩm, riêng từ tháng 12/2023 đến nay số lượng bán ra hơn 400kg.
Theo ông Đậu, trà mãng cầu xiêm giúp hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe như: giúp ổn định huyết áp, giảm cân, đẹp da, tăng cường hệ miễn dịch... Túi đựng trà được thiết kế từ chất liệu giấy đẹp mắt và thân thiện với môi trường. Vì vậy, hơn 3 năm qua khách hàng ưa dùng và hay chọn mua đãi khách, làm quà biếu người thân trong các dịp lễ, tết. Trà mãng cầu xiêm Hai Đậu đạt chuẩn OCOP 3 sao và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021 và được tỉnh chọn làm sản phẩm trong giỏ quà tết nhiều năm qua.
“Việc được phân hạng sản phẩm OCOP đã góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm trà mãng cầu Hai Đậu trên thị trường, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, cơ sở tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm; trong đó chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì, dự kiến có thêm trà đóng lon để hướng tới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Tấn Đậu chia sẻ thêm.
Ghi nhận tại nhiều cơ sở sản xuất và các điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại Kiên Giang cho thấy, hoạt động kinh doanh, mua bán diễn ra khá nhộn nhịp. Hầu hết người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm OCOP vì chú ý đến nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giá cả hợp lý và đặc biệt là các mặt hàng này mang thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương.
“Khoảng 3, 4 năm nay, gia đình tôi luôn chọn mua những sản phẩm đặc trưng của địa phương để dùng trong gia đình và làm quà tặng cho người thân cũng như các đối tác. Các sản phẩm này được bán tại khu trưng bày sản phẩm OCOP, hoặc trên chợ điện tử nên mua rất tiện lợi. Tôm khô, tôm xẻ một nắng, khô cá sặc bổi là những sản phẩm tôi thường mua nhiều vào dịp tết. Tôi muốn gửi tặng những món quà của quê hương đến bạn bè, người thân”, bà Lữ Thanh Xuân, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành chia sẻ.
Theo Sở Công Thương Kiên Giang, mỗi dịp Tết Nguyên đán, tỉnh Kiên Giang có trên 2.000 giỏ quà là các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương được sử dụng làm quà tặng, quà biếu cho các gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh có trên 200 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, một số sản phẩm OCOP của tỉnh đã tham gia vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như: Gạo Nàng hương Thiên Kim Lộc; Trà mãng cầu xiêm Hai Đậu; tiêu đen Ngô Hoàng Dũ; nước mắm Khải Hoàn; chả lụa Minh Trí…
Để thúc đẩy phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của tỉnh, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh, thời gian tới, tỉnh quan tâm chỉ đạo nâng cấp và phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương thông qua các phương tiện truyền thông, sàn thương mại điện tử, xây dựng nhiều phương án, liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các ngành chức năng phối hợp hướng dẫn tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt chất lượng cao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia lên sàn thương mại điện tử như: Kiengiangpromtion.vn; kigi.com.vn; Postmart.vn…
Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tuyên truyền thực hiện đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, kết nối cung - cầu các sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ OCOP, các quầy hàng trưng bày sản phẩm tại các điểm du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư mở thêm nhiều điểm trưng bày sản phẩm OCOP nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tới khách du lịch và doanh nghiệp trong và ngoài nước; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối với các nhà phân phối, siêu thị, Trung tâm thương mại và chuỗi cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn kinh doanh thương mại tại các tỉnh thành.
Văn Sĩ