Làng bún, bánh An Thái tất bật sản xuất phục vụ thị trường Tết

Làng nghề truyền thống sản xuất bún, bánh An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn (Bình Định) hình thành hàng trăm năm về trước và được nhiều thế hệ người dân kế thừa, duy trì và phát triển ổn định cho đến ngày nay. Cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, làng nghề như khoác lên mình “diện mạo mới” với sự tươi vui, nhộn nhịp.

bun.jpg
Sản phẩm bún của làng nghề An Thái được phơi dọc bờ sông. Ảnh: baovanhoa.vn

Những ngày tháng Chạp (Âm lịch), chúng tôi tìm về làng nghề sản xuất bún, bánh An Thái. Vài năm trở lại đây, làng nghề trở nên nức tiếng và được nhiều người biết đến.

Tại xưởng bún khô Hưng Thịnh, không khí tất bật hơn hẳn ngày thường. Đơn đặt hàng tăng cao nên ngoài 4 lao động thường xuyên, ông Lâm Hoàng Vũ - chủ xưởng phải thuê thêm 3-4 lao động thời vụ để tăng năng suất làm việc nhằm phục vụ tốt hơn thị trường dịp Tết.

Ông Vũ cho biết, trung bình mỗi ngày, xưởng sản xuất hơn 1.000 vỉ bún, bánh các loại với khoảng 500-600 kg bột gạo nguyên liệu. Ông nhẩm tính, trừ chi phí, gia đình có thể thu về lợi nhuận kha khá.

Chị Hồ Thị Anh vừa thoăn thoắt lật trở những vỉ bún dưới nắng trời vừa phấn khởi chia sẻ, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên hoạt động sản xuất bún, bánh cũng ổn định. Người dân tranh thủ làm để kiếm thêm thu nhập trang trải Tết. Sức mua tăng nên ai cũng vui mừng.

Hiện tại, làng nghề sản xuất bún, bánh An Thái có khoảng 180 hộ làm nghề. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Chính quyền địa phương cũng đã quy hoạch 3 ha đất chạy dọc sông Côn làm sân phơi cho người dân làng nghề; đồng thời, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đăng ký sản phẩm OCOP địa phương, xây dựng thương hiệu, quảng bá để hướng tới tiếp cận thị trường ngoài nước trong thời gian tới. Đây được xem là giải pháp tối ưu để duy trì và phát triển bền vững làng nghề.

Ông Nguyễn Kim Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc thông tin, các tuyến đường dẫn vào làng nghề đều được nâng cấp, mở rộng, thảm nhựa để thương lái có thể đưa xe đến tận các cơ sở sản xuất để thu mua bún, bánh. Xã cũng đã bố trí kinh phí lắp đặt thêm trạm biến áp 3 pha tránh trường hợp quá tải gây mất điện giờ cao điểm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con. Bên cạnh đó, xã còn quy hoạch khu xử lý nước thải riêng để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường làng nghề.

Lê Phước Ngọc

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm