Nông dân Hà Tĩnh thu nhập cao từ trồng cam đặc sản

Với chất lượng vượt trội, cam đặc sản Khe Mây ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã giúp bà con nông dân nơi đây có thu nhập ổn định. Ảnh: baohatinh.vn
Với chất lượng vượt trội, cam đặc sản Khe Mây ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã giúp bà con nông dân nơi đây có thu nhập ổn định. Ảnh: baohatinh.vn

Những ngày này, nông dân ở thủ phủ cam đặc sản Khe Mây, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đang khẩn trương thu hoạch sản phẩm để xuất bán. Với chất lượng vượt trội so với giống cam ở các vùng khác, loại quả đặc sản này đã giúp bà con nông dân ở đây có thu nhập ổn định.

Nông dân Hà Tĩnh thu nhập cao từ trồng cam đặc sản ảnh 1Phân loại cam sau khi thu hoạch. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Từ sáng sớm, vợ chồng ông Nguyễn Văn Phúc ở thôn 6, xã Hương Đô đã có mặt tại vườn cam để thu hái quả, bán cho thương lái. Với diện tích hơn 3ha trồng cam, dự kiến năm nay sản lượng thu hoạch của gia đình ông đạt khoảng 20 tấn.

Ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Trước đây gia đình ông chỉ trồng khoảng 1ha giống cây cam chanh nhưng nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp, cho chất lượng cam ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng nên đã mở rộng diện tích lên gần 3ha. Hiện nay, việc canh tác, sản xuất cam đều được thực hiện theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP. Vụ thu hoạch năm nay, thương lái đã mua cả vườn cam nên gia đình rất yên tâm, không phải lo lắng đầu ra cho quả cam. Với giá cam hiện dao động từ 30.000đ/kg - 40.000đ/kg trong vụ năm nay gia đình dự kiến thu về từ 500 triệu đồng – 600 triệu đồng.

Xã Hương Đô (huyện Hương Khê) được biết đến là một trong những vùng trồng cam lớn nhất Hà Tĩnh với đặc sản cam Khe Mây. Ở đây hiện có khoảng 350 ha cam các loại; trong đó, gần 300 ha đang cho thu hoạch. Những năm qua, người dân đã từng bước thay đổi phương thức canh tác, tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là việc sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, theo hướng hữu cơ và VietGAP. Qua đó, duy trì nhãn hiệu chứng nhận cam Khe Mây trên địa bàn nhằm bảo vệ danh tiếng, uy tín của các sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Dần, xã Hương Đô cho hay: Gia đình anh hiện có khoảng 1ha trồng cam. Nhận thấy yêu cầu của khách hàng ngày càng cao đối với chất lượng sản phẩm nên tất cả diện tích trồng cam đều được anh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình chăm sóc,quả cam được bọc bằng túi chuyên dụng ngay từ khi còn nhỏ để không bị côn trùng phá hoại. Đồng thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón có nguồn gốc hữu cơ để an toàn cho người sử dụng. Nhờ đó, cam luôn được thu mua với giá cao hơn các vùng khác với sản lượng thu hoạch dự kiến khoảng 8 tấn gia đình anh sẽ có thu nhập trên 250 triệu đồng.

Thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất nên thương hiệu cam Khe Mây đã được nhiều khách hàng trong nước ưa chuộng. Hiện việc tiêu thụ loại cam đặc sản này cũng tương đối thuận lợi do thương lái thường đến mua ngay tại vườn, người dân không phải lo lắng việc tìm nơi tiêu thụ.

Thương lái Nguyễn Ngọc Bảo (huyện Hương Khê) cho biết: cam Khe Mây có chất lượng quả đẹp, đều, được bà con chăm sóc đúng kỹ thuật nên rất ngon, ngọt. Vì thế, khách hàng rất ưa chuộng loại cam này. Để đảm bảo cung cấp đến khách hàng sản phẩm chất lượng, tươi ngon nhất anh chỉ thu hái và vận chuyển trong ngày. Với thời vụ thu hoạch cam Khe Mây kéo dài trong khoảng 2 tháng, anh dự kiến thu mua trên 40 tấn quả của bà con ở huyện Hương Khê.

Từ năm 2019, cam Khe Mây đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu. Qua đó, góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương. Thời gian qua, người dân và chính quyền địa phương cũng đã tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu nhằm mở rộng thị trường và nâng tầm giá trị sản phẩm cam Khe Mây. Đồng thời, hình thành nhiều mô hình sản xuất cam VietGAP liên kết với thương lái để đảm bảo ổn định đầu ra, giá cả.

Ông Đinh Công Tịu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê thông tin: Thực hiện chủ trương của huyện Hương Khê về mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm cam, Hội nông dân các cấp đã tuyên truyền, hướng dẫn hộ nông dân triển khai thực hiện hiệu qua. Ngoài vùng trồng cam đặc sản Khe Mây trên địa bàn huyện còn có gần 1.700ha cam ở những vùng trồng khác.

Việc phát triển cây cam đã giúp cho hội viên Hội nông dân và các hộ gia đình có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao. Để đảm bảo chất lượng thương hiệu cam Khe Mây nói riêng và các vùng trồng cam khác khi bán ra thị trường, Hội nông dân huyện tiếp tục phối hợp, hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hiện quy trình sản xuất an toàn. Từ đó, cung ứng sản phẩm cam khách hàng trên toàn quốc và hướng tới mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm