Đặc sắc lễ Tủ su của dân tộc Mông

Đặc sắc lễ Tủ su của dân tộc Mông
Theo các bậc cao niên ở đây chia sẻ, chỉ có 3 dòng họ Mông tại Cao Bằng làm lễ Tủ su, gồm: Dòng họ Sùng, họ Dương, họ Vương. Dòng họ Sùng trước đây 9 năm mới tổ chức một lần và tổ chức vào ngày 26/9 (âm lịch), còn dòng họ Dương và họ Vương 7 năm tổ chức 1 lần và làm vào tháng 7. Tương truyền khi trẻ em đi chăn trâu thường hay đọc những câu thần chú trong buổi lễ nên khiến thần linh nổi giận, trừng phạt những đứa trẻ với hình thức nặng nhất đó là cái chết. Từ đó, các già làng trong bản đã họp lại và thống nhất sẽ tổ chức vào một ngày cố định trong năm để trẻ nhỏ không còn nhớ những câu thần chú đó nữa.

Dòng họ Sùng có khoảng 100 hộ dân sinh sống tại các huyện: Hà Quảng, Thông Nông, Bảo Lâm. Lễ Tủ su được tổ chức theo hình thức xoay vòng các gia đình trong dòng họ nên nếu tính từ đời bố thì phải mất 40 năm mới đến gia đình anh Sùng A Sam tổ chức. Với anh Sam, đây là điều vinh dự nhất trong đời của mình. Để chuẩn bị cho buổi lễ được diễn ra tốt đẹp, anh đã sửa sang lại nhà cửa, mở thêm 1/2 gian nhà để anh em họ hàng ăn uống, làm lễ rộng rãi hơn.

Các thành viên trong dòng họ Sùng, dân tộc Mông tại xã Quý Quân (Hà Quảng) học hát trong lễ Tủ su.
Các thành viên trong dòng họ Sùng, dân tộc Mông tại xã Quý Quân (Hà Quảng) học hát trong lễ Tủ su.

Từ sáng sớm, mỗi gia đình đến dự lễ thực hiện nghi thức dùng ngọn cỏ gianh để quét những điều không may mắn của gia đình. Khi đến dự lễ, mỗi người đều cầm theo cành cỏ gianh tượng trưng cho những điều không may mắn của gia đình, được cắm tại đầu nhà của gia chủ để phục vụ cho lúc hành lễ. Buổi lễ quan trọng nhưng cỗ bàn trong bữa ăn lại không quá nặng nề, chủ yếu phụ thuộc vào sự chuẩn bị của gia chủ chứ không bắt buộc phải mâm cao cỗ đầy. Nhưng có một điều mà trong dòng họ đã tự thống nhất với nhau nhiều năm nay, đó là nhà nào làm lễ thì chuẩn bị 40 lít rượu, không kể có bao nhiêu người tham gia, dù uống hết rượu cũng không được mua thêm. Điều quan trọng là chỉ có nam giới mới được tham gia buổi lễ. Một số phụ nữ được gia chủ mời đến để phụ giúp việc nấu nướng.

Sau khi bữa tối kết thúc, các bậc cha, chú biết nghi lễ, thuộc câu thần chú được coi là thầy sẽ trực tiếp hát cho tất cả mọi người nghe để cùng thuộc lòng (có khoảng 4 - 5 người thay nhau hát vì bài hát dài và thời gian hát cũng kéo dài). Đây là cơ hội hiếm hoi để nam giới học cách hành lễ. Vì không được lưu giữ bằng sách vở hay ghi chép bằng hình thức gì mà chỉ được lưu truyền bằng miệng, nên khi cất lên tiếng hát thì mọi người đều tập trung lắng nghe. Có một điều khá thú vị đó là hiện nay ai cũng có điện thoại di động có thể ghi âm để sử dụng nhưng họ không ai cần máy móc để hỗ trợ bởi họ lắng nghe bằng cả tiếng lòng, họ học bằng cả trái tim với ý thức gìn giữ tín ngưỡng, văn hóa của cộng đồng mình. Những câu hát được cất lên to, rõ ràng, có giọng điệu, tiếng hát sang sảng len lỏi qua những bức vách làm vang cả một vùng giữa đêm tối hiu quạnh. Tất cả đều diễn ra rất mộc mạc, chân thành, mọi người tham gia đều bị cuốn theo câu hát.

Bài hát có 12 đoạn, nội dung chủ yếu là trách mắng bà Su (theo tiếng dân tộc Mông). Bà Su là người chuyên gieo rắc những vận hạn, như bệnh tật và những kiếp nạn cho người Mông sống trên trần gian. Đồng thời, theo quan niệm của người Mông, bà Su gieo rắc vận hạn thì đã có nhân vật Sí Dì được coi là thầy cúng, thầy tào bảo vệ con người trên trần gian khỏi những kiếp nạn mà bà Su gieo rắc và đuổi bà Su đi xa khỏi cuộc sống của người Mông. Trong cả 12 đoạn hát có đoạn thể hiện rõ điều này, như: “…Bà Su, bà nói là bà ác, sao bà không dám ló mặt khỏi trời xanh/Bà ló mặt khỏi đêm đen/Chiếu sáng làm gì nơi Sí Dì phơi quần áo/Bà Su, bà nghĩ là bà đông/Sí Dì càng đông hơn, đứng đầy đồi/Bà nghĩ là bà rộng, Sí Dì đứng khắp trần gian…”.

Sau khi các thầy hát hết bài thì lần lượt từng người sẽ phải hát lại đến khi nào thuộc mới thôi. Nếu ai quên lời hoặc nghỉ giữa đoạn thì cũng là lúc mọi người cùng nâng ly để động viên. Cứ như thế lần lượt từng người hát và lại nâng ly, những câu hát, những ly rượu bên tiếng cười nói vui vẻ thâu đêm cho đến 3 giờ sáng. Sau khi gia chủ chọn 2 người trong số các thầy vừa hát để hành lễ chính cho buổi lễ cũng là lúc buổi lễ được bắt đầu. Lúc này mọi người đang quây quần và tập trung tinh thần để buổi lễ diễn ra được tốt đẹp và điều cấm kỵ đó là trong cả buổi lễ thì người phụ nữ không được nói chuyện để buổi lễ được linh nghiệm. Đạo cụ phục vụ buổi lễ là cây họ dương sỉ, trên cây buộc sợi dây màu đỏ, vừa đọc thần chú, tay vừa đảo hạt ngô, nội dung câu thần chú chủ yếu là thách thức bà Su xuất hiện để đuổi bà Su đi mãi theo phương mặt trời lặn. Để bà Su không làm phiền đến cuộc sống của dòng họ Sùng, để các gia đình trong dòng họ luôn gặp may mắn, ngô gạo đầy nhà và không ai bị bệnh tật.

Thời gian hành lễ được tính khá kỹ lưỡng phải đảm bảo xong trước khi mặt trời mọc. Sau khi phần lễ trong nhà kết thúc mọi người trong dòng họ cùng đứng thành nhóm giữa ruộng. Thầy bắt đầu đọc thần chú mắng chửi bà Su. Cuộn chỉ được nối từ những đoạn do các thành viên trong dòng họ mang đến, chỉ màu trắng tượng trưng cho đàn ông, chỉ màu đỏ tượng trưng cho phụ nữ. Cuộn chỉ được quấn quanh nhóm người tượng trưng như sự bảo vệ họ khỏi những điều không may mắn. Vừa đi, thầy vừa đọc thần chú, sau đó tiến hành phần múa thách mặt trời, mặt trăng, nhịp điệu câu hát cũng nhanh dần và động tác của thầy cũng nhanh, mạnh và dứt khoát. Múa xong cũng là lúc dùng cung tên tự làm bắn mặt trời. Bó cỏ gianh tượng trưng cho những điều không may mắn được thầy chặt đứt có ý nghĩa những điều không hay trong thời gian qua đã được loại bỏ, năm mới sẽ bắt đầu với những điều tốt lành. Bình minh đang lên cũng là lúc hai người hành lễ đi giấu bó cỏ gianh ở phía mặt trời lặn. Nếu cộng đồng sống trên núi đá thì bó cỏ gianh sẽ được cất giấu trong hang núi cao và điều quan trọng là cất theo hướng mặt trời lặn.

Thầy hành lễ đang múa thách thức mặt trời, xạ thủ chuẩn bị bắn cung vào mặt trời khi các thành viên dòng họ Sùng đứng thành hình tròn bên cạnh.
Thầy hành lễ đang múa thách thức mặt trời, xạ thủ chuẩn bị bắn cung vào mặt trời khi các thành viên dòng họ Sùng đứng thành hình tròn bên cạnh.
Sau khi trở về nhà gia chủ, những câu chuyện của ngày hôm qua, của những gì đã xảy ra đều không được ai nhắc đến. Họ tự ngầm hiểu với nhau rằng đó là chuyện của quá khứ và những điều không tốt đẹp đã được mang đi theo ánh mặt trời lặn. Mọi người ngồi quây quần bên nhau cùng nói về tương lai với những dự định để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Cũng tại lúc này, dòng họ Sùng lại cùng lựa chọn, bàn giao xem năm sau sẽ đến gia đình nào tổ chức lễ Tủ su.

Lễ Tủ su của dân tộc Mông là nghi lễ có tính tâm linh mang ý nghĩa tốt đẹp của một cộng đồng tộc người sống trên một địa bàn, đây là nhu cầu tâm linh của người dân trong một dòng họ trước vòng quay tuần hoàn của thiên nhiên, là niềm tin sâu đậm của con người trước những bí ẩn của thiên nhiên để xin được giải hạn và cầu sự may mắn cho từng cá nhân, gia đình trong dòng họ. Buổi lễ là dịp tập trung, củng cố mối quan hệ cộng đồng trong dòng họ, là thông điệp chung gửi tới tổ tiên, thần linh cầu xin may mắn của trời đất mưa thuận, gió hòa, phù hộ cho dân bản sức khỏe dồi dào để lao động, tăng gia sản xuất và tăng cường sự đoàn kết của mỗi cá nhân, gia đình trong dòng họ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm