Cối xay ngô - một công cụ được đồng bào Mông. |
Gia đình ông Lý Văn De hiện đang sở hữu chiếc cối xay. Ông cho biết, chiếc cối xay là đồ gia truyền lâu đời dùng để xay ngô làm mèn mén hoặc làm bánh. Mặc dù giờ đây có nhiều máy móc thay thế nhưng việc xay bột ngô thủ công vẫn được nhiều gia đình sử dụng. Ở Nà Mộ hiện có khoảng 5 chiếc cối xay.
Người Mông chọn ngày tốt để làm cối xay bởi đây là vật dụng có ý nghĩa tâm linh liên quan đến “của ăn của để” của mỗi gia đình. Cối có phần trục chính được làm bằng đá nguyên khối, đục hoàn toàn bằng thủ công. Phần tay quay dài khoảng hơn 1 m làm bằng gỗ được treo bởi một sợi dây bền chắc còn một đầu được gắn cài với mặt trên của cối đá. Còn phần máng dài khoảng hơn 1 m, rộng 0,7 m được làm bằng loại gỗ rừng bền chắc đảm bảo lâu dài không mối mọt.
Làm 1 chiếc cối xay thường do người đàn ông trụ cột gia đình thực hiện và mời cánh trai tráng trong bản tham gia trong khoảng 15 ngày. Người Mông có quy tắc đặt cối xay ở bên phải gian nhà với mong muốn cuộc sống thuận hòa, ngô lúa đầy bồ. Chị Lý Thị Moong cho biết, trước đây người Mông sử dụng cối xay ngô tạo ra bột mịn chế biến mèn mén. Ngày nay, người Mông dùng cối xay bột làm bánh ngày Tết.
Cối xay ngô gắn bó trong đời sống đồng bào Mông nên rất được coi trọng. Khi sử dụng xong phải lau rửa sạch sẽ, gọn gàng; người lớn hay trẻ nhỏ đều không được phép ngồi vào cối xay. Trong gia đình thường thì người chồng đứng ra đẩy tay xay ngô, người vợ bỏ từng nắm ngô vào cối. Tuy nhiên, khi kén vợ, chàng trai vẫn mong muốn tìm được cô gái khỏe mạnh, dẻo dai, khéo léo biết xay ngô làm bánh. Đây cũng là tiêu chí để đánh giá người phụ nữ đảm đang biết lo toan gánh vác việc nhà.
Cuộc sống phát triển, nhiều gia đình xay bột bằng máy nhưng ở Nà Mộ vẫn sử dụng cối xay truyền thống bởi độ mịn của bột. Mỗi dịp lễ Tết, họ vẫn thường quây quần cùng nhau, nhà nào không có cối đến xay nhờ nhà kia. Cối đá từ lâu đã trở thành biểu tượng đoàn kết, gắn bó cũng như nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông.
Theo baotuyenquang.com.vn