Cảnh báo tình trạng gia tăng bệnh nhân nhập viện do đột quỵ não ở Lạng Sơn

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, những ngày gần đây thời tiết chuyển mùa, nắng mưa thất thường, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch đã làm gia tăng tỉ lệ người nhập viện do đột quỵ não.

Canh bao tinh trang gia tang benh nhan nhap vien do dot quy nao o Lang Son hinh anh 1Các bệnh nhân đột quỵ não được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy – TTXVN

Trước đây mỗi tháng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận khoảng 15 bệnh nhân bị đột quỵ não, nhưng chỉ trong tháng 10/2021, đơn vị đã tiếp nhận trên 40 trường hợp đột quỵ não với các mức độ khác nhau, trong đó nhiều trường hợp nặng dẫn tới tử vong.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến đột quỵ là sự thay đổi đột ngột của thời tiết từ nóng chuyển sang lạnh, làm mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp dẫn đến lưu lượng máu lên não kém. Mặt khác, khi mạch máu co lại thì dễ làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Đặc biệt, với những người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, nguy cơ tử vong cao hoặc có cứu chữa cũng để lại các biến chứng vô cùng nặng nề.

Trường hợp của bà Hoàng Thị Đừng (60 tuổi, trú tại huyện Bắc Sơn) là một ví dụ điển hình. Theo người nhà bệnh nhân, vừa tắm xong thì bà Đừng mệt mỏi, choáng váng và bị ngã. Sau đó, người nhà phát hiện và đưa bà đến bệnh viện. Các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị đột quỵ não do tăng huyết áp, vì quá thời gian sơ cứu ban đầu nên phải phẫu thuật để lấy khối máu tụ trong não.

Các chuyên gia y tế cho biết, thời gian từ 4 đến 5 giờ sau khi bị đột quỵ được gọi là “thời gian vàng” để cứu sống người bệnh cũng như hạn chế tối đa sự tổn thương não. Các bệnh nhân bị bệnh về huyết áp hay tim mạch khi có dấu hiệu méo miệng, lưỡi tê cứng, khó nói hoặc không nói được, nhìn mờ thì gia đình cần gọi ngay xe cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.

Bác sĩ Nông Quốc Thiên (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn) khuyến cáo, để phòng chống đột quỵ khi thời tiết giao mùa, người dân cần kiểm soát các bệnh nền, giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời; không tập thể dục quá sớm vào thời tiết lạnh, không dùng các chất kích thích như thuốc lá rượu bia... Những người trung niên và cao tuổi nên đi khám định kỳ để được tư vấn dự phòng đột quỵ. Khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ thì người nhà cần gọi người trợ giúp và gọi ngay xe cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất có đủ phương tiện, kỹ thuật, chuyên môn để tái thông mạch máu não.

Đột quỵ có diễn biến bệnh rất nhanh, người bệnh thường phải gánh chịu những di chứng nặng nề. Việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe, nhất là trong những ngày thời tiết lạnh ở miền núi, vùng cao là chìa khóa vàng để phòng, chống đột quỵ.

Nguyễn Quang Duy

Tin liên quan

Cảnh báo nguy cơ đột quỵ từ dấu hiệu đau đầu

Gần đây, các bệnh viện tại Cần Thơ ghi nhận tình trạng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa và gia tăng về số lượng. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do đột quỵ khá cao hoặc nếu thoát chết cũng để lại các di chứng nặng nề. Điều đáng tiếc là hầu hết trong số đó đều có dấu hiệu cảnh báo bệnh nhưng bệnh nhân chủ quan bỏ qua, điển hình nhất là các cơn đau đầu kéo dài…


Bác sĩ chỉ cách nhận biết dấu hiện đột quỵ

Ngày 9/2, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết vừa thực hiện thành công phương pháp can thiệp lấy huyết khối qua đường động mạch cho bệnh nhân N.T.H (nữ, 36 tuổi) đến từ Sóc Sơn, nhập viện ngày 27/1 với biểu hiện đột quỵ não.


Trời lạnh tăng nguy cơ đột quỵ: dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh

Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và đứng thứ ba gây tử vong tại nước ta. Điều đáng nói, không chỉ xảy ra đối với người cao tuổi, giờ đây bệnh nhân đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa. Đáng báo động hơn khi vào mùa đông, nguy cơ đột quỵ tăng cao hơn 15% so với những mùa khác.


Phòng, chống đột quỵ đúng cách và hiệu quả

Bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não) đang trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người, bệnh xuất hiện đột ngột thường không có dấu hiệu báo trước, tỷ lệ tử vong rất cao và dù được cứu sống vẫn để lại di chứng hết sức nặng nề. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau các bệnh lý tim mạch và ung thư.


6 chiêu phòng chống đột quỵ trong những ngày lạnh giá

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Y tế Công cộng, Đại học Đài Loan (Trung Quốc) phát hiện không chỉ những ngày nắng nóng bất thường vào mùa hè, mà khi những cơn gió lạnh mùa đông tràn về, rủi ro bị đột quỵ cũng tăng cao.



Đề xuất