Ngày 9/2, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết vừa thực hiện thành công phương pháp can thiệp lấy huyết khối qua đường động mạch cho bệnh nhân N.T.H (nữ, 36 tuổi) đến từ Sóc Sơn, nhập viện ngày 27/1 với biểu hiện đột quỵ não.
Người bệnh có tiền sử thay van tim cơ học cách đây 15 năm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Do quên uống thuốc chống đông 1 ngày, sau khi ngủ dậy vào lúc 7h ngày 27/1, chồng chị H phát hiện vợ bị méo miệng, nói khó và yếu liệt nửa người hoàn toàn bên phải; ngay lập tức anh đã đưa chị đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lúc 10h, bác sĩ phòng khám nhận thấy người bệnh có các triệu chứng của đột quỵ và đã khởi động quy trình cấp cứu đột quỵ não. Bác sĩ đơn vị đột quỵ khẩn trương đánh giá lâm sàng và hội chẩn với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Nhận thấy đây là đột quỵ lúc ngủ nên cần phương pháp chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu hơn để đưa ra hướng điều trị phù hợp, vì vậy người bệnh được đưa ngay đi chụp cộng hưởng từ đánh giá thêm về tưới máu não. Trên phim cộng hưởng từ có tắc động mạch não giữa bên trái, vùng nguy cơ thiếu máu có thể cứu được có kích thước lớn hơn vùng hoại tử rất nhiều, nhóm đột quỵ đã hội chẩn nhanh chóng và quyết định hướng điều trị cho người bệnh là thực hiện can thiệp lấy huyết khối cơ học qua đường động mạch.
Trước khi can thiệp, tay chân người bệnh không thể tự nâng lên được, quá trình tái thông động mạch não giữa bị tắc trong thời gian 20 phút với 1 lần đưa dụng cụ lên lấy huyết khối, ngay sau khi kết thúc thủ thuật người bệnh phục hồi tay tự nâng lên và tự cử động đầu ngón và bàn chân. Hiện tại người bệnh đi lại được và tỉnh táo hoàn toàn, được chuyển về khoa Nội - Hồi sức thần kinh để tiếp tục theo dõi và cho chụp cộng hưởng từ kiểm tra sau 24 giờ can thiệp, kết quả vùng nguy cơ thiếu máu sau tái thông có hình ảnh tưới máu như nhu mô não bình thường.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Dũng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Đột quỵ thiếu máu hay nhồi máu não chiếm tỷ lệ 80 - 85% các bệnh nhân đột quỵ não. Thiếu máu não kéo dài sẽ dẫn đến nhồi máu não thực sự nếu không được tái thông kịp thời và sẽ để lại các di chứng nặng nề. Lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học mang lại nhiều ưu điểm, có thể tái thông được các mạch máu lớn, cửa sổ điều trị lên 16 giờ và thậm chí 24h đối với tuần hoàn trước và có thể tới 12 giờ đối với hệ tuần hoàn sau.
Qua trường hợp của chị H, các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh có tiền sử bệnh lý tim mạch tuyệt đối không được quên uống thuốc chống đông nếu không sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng đột quỵ cần ngay lập tức đưa đến các cơ sở y tế uy tín.
Đột quỵ nhồi máu não nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng tàn tật nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, là gắng nặng kinh tế cho gia đình người bệnh và toàn xã hội. Nếu người bệnh có triệu chứng nghi ngờ đột quỵ não, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các di chứng nặng nề về sau.
Để nhận biết dấu hiện đột quỵ, hãy nhớ tới từ F.A.S.T: (Face): Gương mặt mất cân đối, hoặc méo xệ một bên miệng; (Arm): Kiểm tra tình trạng hiện yếu hoặc liệt tay, chân; (Speech): Ngôn ngữ bất thường; (Time): thời gian, nếu xuất hiện 1 trong 3 dấu hiệu kể trên người bệnh có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy khẩn trương gọi cấp cứu và nhanh nhất đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ. Ngoài ra người bệnh có yếu tố nguy cơ cao (cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu cao, hút thuốc lá…) cần khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ chế độ điều trị của thầy thuốc.
PV