Mở rộng chương trình "Phục hồi chức năng sau đột quỵ"

Mở rộng chương trình "Phục hồi chức năng sau đột quỵ"

Dù tỷ lệ tử vong do bệnh đột quỵ tại Việt Nam đã giảm do sự ra đời của hệ thống các đơn vị phòng chống đột quỵ trên cả nước nhưng có đến gần 90% người bệnh đột quỵ được cứu sống phải chịu nhiều di chứng nặng nề, cần được hướng dẫn phục hồi chức năng để hòa nhập với cuộc sống. Thông tin được các chuyên gia đưa ra tại buổi khai mạc Chương trình AVANT "Phục hồi chức năng sau đột quỵ" tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/11. Chương trình do Tổng hội Y học Việt Nam và Hội Phục hồi chức năng Việt Nam phối hợp cùng Công ty EVER pharma tổ chức với sự hỗ trợ chuyên môn của Tổ chức phòng chống Đột quỵ thế giới.

Mở rộng chương trình "Phục hồi chức năng sau đột quỵ"  ảnh 1Quang cảnh buổi tập huấn. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Tiến sỹ, bác sỹ Lê Văn Tuấn, Chủ nhiệm Bộ môn Nội thần kinh, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ mắc đột quỵ tại nước ta đang gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả hai giới nam và nữ. Theo thống kê của các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, trong từng chu kỳ 3-5 năm, số lượng bệnh nhân đột quỵ phải điều trị nội trú cuối chu kỳ tăng từ 1,7-2,5 lần so với năm đầu chu kỳ. Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh ung thư và tim mạch, đứng hàng đầu về tàn tật.  

Ở Việt Nam, mặc dù những năm gần đây, tỷ lệ tử vong do đột quỵ não giảm , nhờ hệ thống các cơ sở y tế chuyên sâu về phòng  chống đột quỵ được thành lập và các phương pháp can thiệp điều trị đột quỵ não được áp dụng ngay trong những giờ đầu, tuy nhiên việc phát triển mô hình phục hồi chức năng sau đột quỵ lại chưa thực sự đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết mới chỉ tập trung tại các bệnh viện tuyến Trung ương và chỉ ở một số địa phương.

Mở rộng chương trình "Phục hồi chức năng sau đột quỵ"  ảnh 2Tiến sỹ, bác sỹ Lê Văn Tuấn, Chủ nhiệm Bộ môn Nội thần kinh, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, nêu tổng quan về Chương trình AVANT. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Chính vì thế, mặc dù tỷ lệ tử vong do đột quỵ từ năm 2013 đến nay giảm 17% so với trước đây nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm.

Hậu quả là bệnh nhân trở thành người tàn tật, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nghiên cứu cho thấy, chỉ có 25-30% bệnh nhân sau đột quỵ tự đi lại, phục vụ bản thân; 20-25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày; 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Bắt đầu từ năm 2017, Chương trình AVANT, một chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Áo ra đời với sứ mệnh nâng cao năng lực phục hồi chức năng sau đột quỵ thông qua các khóa đào tạo rộng khắp dành cho đối tượng tham gia là các bác sỹ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng và người chăm sóc bệnh nhân.

Trong vòng 3 năm qua (từ năm 2017-2020), Chương trình đã tổ chức 63 lớp dành cho các cán bộ y tế đến từ 650 bệnh viện thuộc 59 tỉnh, thành trên cả nước. Đã có 4.340 bác sỹ, kỹ thuật viên đã hoàn thành khóa học.

Mở rộng chương trình "Phục hồi chức năng sau đột quỵ"  ảnh 3Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia tham gia khóa huấn luyện. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Các bác sỹ, kỹ thuật viên chuyên ngành đột quỵ, cấp cứu, thần kinh và phục hồi chức năng được tiếp cận những kiến thức và bài tập mới, hiệu quả nhất về điều trị đột quỵ. Chương trình AVANT cũng đã tổ chức 6 khóa tập huấn chuyên sâu cho các bác sỹ, kỹ thuật viên của các bệnh viện đầu ngành trên toàn quốc tại các trung tâm phục hồi chức năng tại Áo.

Cùng với các bác sỹ, kỹ thuật viên, người chăm sóc bệnh nhân cũng là đối tượng Chương trình AVANT hướng đến. Chương trình triển khai các lớp đào tạo, giúp người nhà và người chăm sóc bệnh nhân thấu hiểu người bệnh, hỗ trợ người bệnh một cách hiệu quả cũng như hiểu được các yếu tố nguy cơ nhằm phòng tránh đột quỵ tái phát.

Thông qua các bài tập phục hồi chức năng, người chăm sóc có thể giúp bệnh nhân đột quỵ phục hồi khả năng vận động, dần dần tự thực hiện các hoạt động hàng ngày, trở về với cuộc sống bình thường, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tính đến tháng 11/2020 đã có gần 150 lớp huấn luyện được tổ chức cho gần 4.000 người nhà bệnh nhân.

Dự kiến, đến năm 2022, Chương trình AVANT sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới đào tạo với tổng cộng 150 khóa tập huấn dành cho cán bộ y tế và 300 lớp học cho người nhà bệnh nhân, phủ sóng đến các bệnh viện ở toàn bộ 63 tỉnh, thành trên toàn quốc, để các cán bộ y tế cũng như người nhà bệnh nhân ở miền núi, vùng sâu vùng xa được tiếp cận kiến thức tiên tiến về đột quỵ và chăm sóc bệnh nhân./.

Đinh Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm