Hẹp van động mạch chủ là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm, đặc biệt thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh tiến triển âm thầm nhưng có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình lão hóa, khiến các lá van bị vôi hóa và mất dần chức năng. Trước đây, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật tim hở, tuy nhiên, lựa chọn này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những bệnh nhân lớn tuổi hoặc có bệnh nền phức tạp.

Thay van động mạch chủ qua ống thông: Thành công từ sự phối hợp đa chuyên khoa
Ngày 13/2, tại Đơn vị Tim mạch Can thiệp, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, một ca thay van động mạch chủ qua đường ống thông đã được thực hiện thành công trên bệnh nhân lớn tuổi mắc hẹp van động mạch chủ khít kèm theo nhiều bệnh lý nội khoa nghiêm trọng. Thành công này có được nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, vượt qua những thách thức lớn, đặc biệt là các biến đổi giải phẫu phức tạp của van động mạch chủ.
Nam bệnh nhân 79 tuổi, mắc hẹp van động mạch chủ khít, suy tim nặng, thể trạng suy kiệt, kèm theo thiếu máu và suy thận mạn tính. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở nghiêm trọng. Đáng chú ý, van động mạch chủ của bệnh nhân chỉ có hai lá van thay vì ba lá như bình thường, lại bị vôi hóa nặng, gây cản trở nghiêm trọng đến lưu thông máu và dẫn đến suy tim nặng.
Nhằm tìm ra phương án tối ưu, đảm bảo an toàn cao nhất cho bệnh nhân, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, hội đồng chuyên môn quyết định lựa chọn phương pháp thay van động mạch chủ qua đường ống thông. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng thủ thuật này không hề đơn giản, bởi có nhiều biến đổi về cấu trúc van tim và động mạch chủ, đồng thời việc kiểm soát đường thở trong quá trình gây mê cũng là một thách thức lớn.
Để đảm bảo ca can thiệp diễn ra suôn sẻ, một kế hoạch chi tiết đã được xây dựng với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa: Tim mạch can thiệp, Siêu âm tim, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực, Huyết học truyền máu, Phẫu thuật lồng ngực mạch máu và Phẫu thuật tim mạch. Trong đó, nhóm Tim mạch (Heart Team) giữ vai trò nòng cốt, kết nối và tổ chức toàn bộ quá trình dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo bệnh viện, đảm bảo tính thống nhất và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống rủi ro.
Trong ca can thiệp, van động mạch chủ kích thước 23mm đã được đặt thành công ngay từ lần thả đầu tiên. Van nở tối ưu, chênh áp qua van động mạch chủ chỉ còn 12/6.5 mmHg (so với trước đó là 74/47 mmHg), không có biến cố trong quá trình can thiệp.
Chỉ sau một giờ, bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn, có thể ngồi dậy và ăn uống trở lại. Sau 8 giờ, bệnh nhân đã có thể đi lại nhẹ nhàng và chỉ sau 24 giờ đã phục hồi sinh hoạt bình thường. Đây là kết quả khó có thể đạt được nếu bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật tim hở với tuần hoàn ngoài cơ thể.
Ca can thiệp này không chỉ khẳng định năng lực chuyên môn cao của Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai mà còn là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của mô hình phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị bệnh lý tim mạch phức tạp.
TAVI – Bước đột phá trong điều trị hẹp van động mạch chủ phức tạp
Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI) đã trở thành một giải pháp đột phá, giúp giảm xâm lấn, rút ngắn thời gian hồi phục và mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân có nguy cơ cao. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, hẹp van động mạch chủ là một bệnh lý tim mạch phổ biến và Bệnh viện Bạch Mai hiện là một trong những đơn vị tiên phong triển khai kỹ thuật này tại Việt Nam cũng như khu vực ASEAN.
Từ ca đầu tiên vào năm 2014 đến nay, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện thành công hơn 100 ca TAVI, bao gồm cả những trường hợp phức tạp như thay van trong van (TAVI-in-TAVI) và bệnh nhân có giải phẫu van bất thường. Năm 2025, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai chính thức đưa TAVI vào thực hiện thường quy, đạt chuẩn chất lượng quốc tế với sự hợp tác của các chuyên gia hàng đầu từ Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC). Trên thực tế, nhiều bệnh nhân hẹp van động mạch chủ là người cao tuổi, có bệnh lý nền phức tạp như bệnh hô hấp, huyết học, thận tiết niệu hay tổn thương não. Đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, đặt ra thách thức lớn trong quá trình thực hiện thủ thuật và kiểm soát gây mê/gây ngủ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, TAVI không chỉ là một kỹ thuật can thiệp mà còn là sự hội tụ của trí tuệ đa ngành. Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ca TAVI là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa, bao gồm Tim mạch can thiệp, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh (MSCT, siêu âm tim 4D), Hồi sức tích cực và Phẫu thuật tim mạch. Mô hình đa chuyên khoa sâu đảm bảo lập kế hoạch điều trị tối ưu và xử lý hiệu quả mọi tình huống nguy cơ cao.
Thành công của TAVI là minh chứng rõ nét cho vai trò quan trọng của sự phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị bệnh lý tim mạch. Đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nền và nguy cơ phẫu thuật cao, phương pháp này không chỉ giúp cải thiện đáng kể tiên lượng sống mà còn rút ngắn thời gian hồi phục, giảm biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sự phát triển của kỹ thuật TAVI không chỉ góp phần nâng cao chất lượng điều trị mà còn giúp Việt Nam tiệm cận với những nền y học tiên tiến trên thế giới./.
HQ