Liệu pháp "tắm rừng" giúp giảm căng thẳng

Tắm rừng - một từ khá quen thuộc với bác sĩ trị liệu tâm lý nhưng còn xa lạ với đa số người dân. Liệu pháp tắm rừng có nguồn gốc từ Nhật Bản từ những năm 1980 để giảm căng thẳng do làm việc kiệt sức. Người thực hiện liệu pháp này đi bộ chậm rãi xuyên qua rừng, mục đích là để sống chậm lại và kết nối với thiên nhiên bằng các giác quan. Phương pháp này ngày càng trở nên phổ biến ở các quốc gia, khi các nhà khoa học nghiên cứu về những lợi ích mà tắm rừng mang lại đối với sức khỏe.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, tắm rừng hiện rất phổ biến tại Australia. Liệu pháp tắm rừng giúp con người hòa mình vào thiên nhiên với sự trợ giúp của người hướng dẫn. Giám đốc Hiệp hội Trị liệu bằng Rừng và Thiên nhiên (ANFT) ở Australia, bà Jackie Kuang, cho biết liệu pháp tắm rừng có thể thực hành tại các sự kiện của công ty, tại các nơi phục hồi, viện dưỡng lão, hay trong các chuyến du lịch. Theo bà Jackie Kuang, ngày càng có nhiều người tìm hiểu lợi ích của liệu pháp tắm rừng vì thiên nhiên rất tốt cho sức khỏe của con người. Tắm rừng có lợi cho sức khỏe tâm thần, giúp giảm huyết áp và nhịp tim, đồng thời làm giảm quá trình sản xuất hormone gây căng thẳng cortisol.

Anh Phil Stubbs, một trong 62 người hướng dẫn tắm rừng được chứng nhận của ANFT ở Australia, cho biết anh từng làm việc 50 giờ một tuần, và khi nhìn ra ngoài từ bàn làm việc của mình, anh thấy hàng trăm người trong một tòa cao ốc ở Sydney đang cắm cúi làm việc trước những chiếc máy tính. Vì muốn thoát khỏi công nghệ và kết nối lại với thiên nhiên, Phil Stubbs đã tìm đến liệu pháp tắm rừng.

Phil Stubbs đã thực hiện các chuyến đi bộ có hướng dẫn xuyên qua Vườn Bách thảo Eurobodalla, nơi từng bị cháy trong trận cháy rừng “Mùa hè Đen”, và nhận thấy lợi ích của liệu pháp tắm rừng, theo đó giúp anh giảm căng thẳng và kết nối lại với thiên nhiên, mang lại cảm giác thư thái và tràn đầy năng lượng.

Nhận thấy lợi ích của liệu pháp tắm rừng, Hội đồng thành phố Baw Baw Shire ở bang Victoria đã nộp đơn xin tài trợ để thực hiện một nghiên cứu khả thi về việc thành lập một trung tâm trị liệu tắm rừng ở Noojee - thị trấn nổi tiếng chuyên khai thác gỗ.

Thanh Tú

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm