Ca mắc tay chân miệng tăng nhanh, chuyên gia khuyến cáo cách xử trí

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, hiện chưa có trường hợp nào tử vong. So với cùng kỳ 2023, số mắc tăng 2,5 lần.

vna_potal_thua_thien_-_hue_dieu_tri_thanh_cong_nhieu_ca_benh_tay_chan_mieng_the_nang__6853582.jpeg
Bác sỹ khám bệnh cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Ca mắc tăng nhanh tại các địa phương

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 12- 19/4, thành phố ghi nhận 186 ca mắc tay chân miệng, tăng 25 ca so với tuần trước đó. Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã, những nơi có nhiều ca mắc như: Ba Vì (20 ca); Sóc Sơn, Thanh Oai (17 ca); Hà Đông (15 ca); Mê Linh, Hoàng Mai (14 ca); Chương Mỹ, Thanh Trì (12 ca). Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 770 ca mắc, không có ca tử von, tăng 85% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2023. Cũng từ đầu năm 2024, Hà Nội ghi nhận 16 ổ dịch, trong đó 8 ổ dịch đang xảy ra tại Ba Vì và Thanh Oai (cùng có 3 ổ dịch), Phúc Thọ và Hoàng Mai (cùng có 1 ổ dịch). Sở Y tế Hà Nội nhận định, tháng 4 và 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch. Các địa phương cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa y tế và nhà trường để phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc và xử lý ổ dịch nhanh chóng, hiệu quả. Không chỉ riêng ở Hà Nội, tại miền Bắc số ca mắc tay chân miệng cũng đang gia tăng...

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính từ ngày 8 - 14/4 có 287 ca mắc tay chân miệng, tăng 87% so với trung bình một tháng trước. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh dự báo, thời gian tới, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn sẽ tiếp tục gia tăng.

Tại Khánh Hòa, từ đầu năm đến ngày 16/4, tỉnh ghi nhận 276 ca mắc, tăng 180 ca so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo theo chu kỳ, bệnh tay chân miệng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Hiện, thành phố Nha Trang và huyện Vạn Ninh là những nơi có số ca mắc cao, chiếm gần một nửa số ca mắc của toàn tỉnh. Các trường hợp mắc tay chân miệng tập trung ở trẻ từ 3 tuổi trở xuống, chiếm 80,4%; trong đó nhóm từ 13 - 36 tháng tuổi chiếm 67%. Các ổ dịch ghi nhận được trong thời gian qua chủ yếu tại trường mầm non ở thành phố Nha Trang…

Bệnh chuyển biến nhanh, khó lường

Theo Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến thời điểm này, cả nước chưa ghi nhận ca tử vong do tay chân miệng. Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, có đến trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh. Đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi bệnh này lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, có hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Entero virus 71 (EV71). Các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Nhưng EV71 gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, có tốc độ lây lan nhanh và dễ thành dịch xảy ra quanh năm, nhưng thường gia tăng từ tháng 4-6 và tháng 10-12. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tiếp xúc đồ chơi, quần áo… nhất là trong môi trường tập thể như mẫu giáo, trường học.

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng là: Sốt nhẹ, mệt mỏi, loét miệng, đau họng, biếng ăn, chảy nước miếng, phát ban dạng phỏng nước (ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông…). Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Từ 1-2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên dễ dẫn đến biến chứng thường gặp là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị.

Sau khi trẻ được chẩn đoán bệnh, tùy tình trạng bệnh bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị ngoại trú hay nội trú. Nếu trẻ đủ điều kiện chăm sóc tại nhà, bác sĩ sẽ tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ tuyệt đối không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Liên quan đến thuốc điều trị tay chân miệng, theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), để đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời trong công tác điều trị, ngay từ cuối tháng 12/2023, Cục đã có văn bản chỉ đạo cơ sở kinh doanh dược, khám chữa bệnh đảm bảo cung ứng thuốc để phòng, chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân, trong đó có bệnh tay chân miệng.

“Về cơ bản, nguồn cung ứng của các thuốc sử dụng trong điều trị bệnh tay chân miệng đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Hiện nay, Cục Quản lý Dược chưa nhận được văn bản báo cáo của các đơn vị về việc thiếu nguồn cung ứng thuốc điều trị bệnh này. Trường hợp nhận được kiến nghị liên quan đến việc khó khăn trong nguồn cung ứng thuốc, Cục sẽ khẩn trương giải quyết theo quy định”, Cục Quản lý Dược cho biết.

Bích Thủy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm