Sự thật bất ngờ về cơ chế truyền nhiễm virus giữa người và động vật

Một số căn bệnh nguy hiểm nhất rình rập loài người đến từ mầm bệnh truyền từ động vật sang người, như virus gây bệnh AIDS được truyền từ tinh tinh sang và nhiều chuyên gia tin rằng virus gây bệnh COVID-19 lây từ dơi sang. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution đã chỉ ra sự lây truyền này không chỉ diễn ra một chiều.

Cụ thể, kết quả phân tích tất cả các trình tự bộ gene của virus được công bố rộng rãi chỉ ra một thực tế gây ngạc nhiên đó là con người truyền nhiều virus cho động vật hơn- khoảng gấp đôi - so với những gì động vật truyền cho chúng ta. Các nhà nghiên cứu đã phân tích gần 12 triệu bộ gene của virus và phát hiện gần 3.000 trường hợp virus nhảy từ loài này sang loài khác. Trong số đó, 79% các trường hợp là virus lây từ loài động vật này sang loài động vật khác, 21% còn lại liên quan đến con người. Trong số này, 64% là lây truyền từ người sang động vật và 36% là lây truyền từ động vật sang người.

Các động vật bị lây virus từ người có thể kể đến gồm vật nuôi như mèo và chó, động vật được thuần hóa như lợn, ngựa và gia súc, các loài chim như gà và vịt, các loài linh trưởng như tinh tinh, khỉ đột và các động vật hoang dã khác như gấu trúc, khỉ đuôi sóc và chuột lông mềm châu Phi. Đáng chú ý, nguy cơ động vật hoang dã bị lây virus từ người cao hơn so với chiều ngược lại. Tác giả chính của nghiên cứu, Cedric Tan, cho rằng điều này càng phản ánh con người có tác động rất lớn tới môi trường và động vật xung quanh.

Con người và động vật đều là vật chủ của nhiều loại virus có thể nhảy sang những loài khác thông qua tiếp xúc gần. Nghiên cứu đã xem xét những cách thức truyền nhiễm liên quan tất cả các nhóm động vật có xương sống như động vật có vú, chim, bò sát, động vật lưỡng cư và cá. Tác giả Tan giải thích virus có thể lây truyền giữa các loài khác nhau thông qua phương thức giống như lây truyền cho con người, bao gồm tiếp xúc trực tiếp với chất lỏng bị nhiễm bệnh hoặc bị loài khác cắn, và một số cách thức khác.Tuy nhiên, trước khi có thể nhảy sang vật chủ mới, virus phải có sẵn những công cụ sinh học hoặc đã “học” cách thích nghi với vật chủ để xâm nhập vào tế bào của loài vật chủ mới và hoạt động trong cơ thể.

Trong nhiều thiên niên kỷ qua, các đại dịch khiến hàng triệu người thiệt mạng đều do các mầm bệnh như virus, vi khuẩn và nấm truyền từ động vật sang người. Gần đây, bệnh lây truyền từ động vật sang người là nguyên nhân hàng đầu được xét đến khi xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới nguy hiểm. Theo đồng tác giả nghiên cứu, Viện trưởng Viên phân tích gene UCL, Francois Balloux, phần lớn các mầm bệnh lưu hành trong các cộng đồng có nguồn gốc từ động vật, có thể kể đến như virus H5N1 gây dịch cúm gia cầm có nguồn gốc từ các loài chim hoang, Vi khuẩn từ các loài gặm nhấm hoang dã đã dẫn tới dịch hạch hồi thế kỷ 14 khiến hàng triệu người ở châu Âu, Á, Trung Đông và Bắc Phi thiệt mạng, gần nhất là virus Ebola hay SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 cũng nhiều khả năng là do lây từ động vật.

Theo ông Balloux, tình trạng lây truyền từ loài này sang loài khác thường không tiếp nối liên tục. Trong hầu hết các trường hợp, virus có khả năng thích nghi kém và không có sự lây truyền tiếp theo sang vật chủ mới. Trong một số trường hợp, virus có thể bắt đầu lưu hành, gây ra dịch bệnh, đại dịch hoặc thậm chí thành bệnh đặc hữu. Các đợt bùng phát nhỏ bệnh do lây nhiễm từ động vật sang người khá phổ biến nhưng xét về khía cạnh tiến hóa, khả năng các đợt bùng phát nhỏ cuối cùng trở thành dịch bệnh lưu hành rộng là rất thấp.

Lê Ánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm