Cấp bách triển khai phòng, chống bệnh dại tại Đắk Lắk

Đắk Lắk là một trong những địa phương có số ca mắc bệnh dại trên chó, mèo đứng thứ ba cả nước. Trước tình hình trên, chiều 20/3, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.

vna_potal_dak_lak_cap_bach_trien_khai_bien_phap_phong_chong_benh_dai_7280573.jpg
Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Theo ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong 4 năm, từ năm 2021 đến 19/3/2024, tình hình bệnh dại trên chó, mèo tại tỉnh có chiều hướng tăng (năm 2021 số chó nghi dại là 20 con; năm 2022 là 29 con; năm 2023 là 29 con).

Đặc biệt, từ tháng 1/2024 đến nay, địa phương ghi nhận 8 chó nghi dại, 4 trường hợp ở người tử vong nghi do mắc bệnh dại. Các trường hợp tử vong đều do chủ quan không đi tiêm phòng vaccine dại sau khi bị cắn.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại động vật đối với các trường hợp chó nghi dại, chó cắn người, chó bị ốm chết. Qua giám sát dịch bệnh trên đàn chó, mèo cho thấy, virus dại trên động vật tại tỉnh còn lưu hành nhiều. Do đó, nguy cơ bệnh dại gia tăng và gây tử vong trên người trong thời gian tới là rất cao.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguyên nhân chủ yếu của bệnh dại gia tăng là do một số địa phương chưa quản lý được đàn chó, mèo; chó thả rông còn phổ biến, đặc biệt là ở vùng nông thôn; việc tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo chưa đạt hiệu quả, tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại đạt tỷ lệ thấp (năm 2023, tỷ lệ tiêm chỉ đạt 37% tổng đàn chó, mèo toàn tỉnh)…

Để kịp thời triển khai chống dịch hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp 2.500 liều vaccine dại chó cho các địa phương xảy ra dịch.

Krông Pắk là địa phương có 3 trường hợp tử vong nghi do dại, số ca tử vong cao nhất tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Y Djoang Niê, từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương xuất hiện 2 ổ dịch. Trước tình hình trên, UBND huyện tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại như: Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp Trạm thú y trực tiếp hướng dẫn tiêu hủy, tiêu độc khử trùng khu vực có trường hợp nghi mắc bệnh dại; vận động người dân tiêm phòng dại cho chó, mèo; thống kê số chó, mèo hiện có trên địa bàn quản lý. Hiện nay, 16/16 xã đã thực hiện đầy đủ hướng dẫn về công tác phòng, chống bệnh dại; các đơn vị đã tiêm phòng 1.500 liều vaccine dại do Chi Cục Chăn nuôi và Thý y tỉnh vừa cấp…

Ngoài ra, các xã huy động lực lượng thú y viên tham gia tiêm phòng, phòng chống dịch; vận động nhân dân các thôn, buôn vây bắt chó thả rông, yêu cầu các hộ dân kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi chó, mèo gây thiệt hại trên người.

Huyện Cukuin có 17.465 con chó mèo, các hộ chăn nuôi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 65%). Tỷ lệ chó, mèo tiêm phòng thấp, đạt khoảng 55%. Ông Lê Phú Hanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cukuin cho biết, từ 2021 đến nay, địa phương xảy ra 3 ổ dịch với 3 con chó nghi dại, hiêu hủy 7 con, 9 người bị chó cắn, không có người tử vong nghi do dại.

Trước tình hình dịch bệnh dại tại địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; thành lập các tổ đến từng nhà tiêm phòng cho đàn chó, mèo; vận động người dân tiêm kháng huyết thanh và vaccine phòng, chống bệnh dại. Năm 2024, địa phương đã tiêm bổ sung 600 liều vaccine dại do Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh vừa cấp đạt 100%.

Ông Lê Phú Hanh cho biết, để việc phòng, chống bệnh dại đạt kết quả tốt, UBND huyện kiến nghị, UBND tỉnh cần cung cấp liều vaccine bổ sung phòng, chống bệnh dại cho địa phương; các xã tăng cường xã hội hóa tiến tới đạt tỷ lệ tiêm 100% đàn chó, mèo. Hiện UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho các cơ sở triển khai thực hiện.

Theo ông Trần Ngọc Sơn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, hằng năm, đơn vị phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; tổ chức 4 lớp tập huấn cho các đối tượng nhà quản lý, phòng nông nghiệp, nhân viên thú y xã, phường, trạm chăn nuôi thú y cấp huyện…

"Về vaccine hiện Chi cục đã tiến hành các bước đấu thầu. Đơn vị cố gắng cung ứng kịp thời đúng, đủ số lượng vaccine cho các địa phương. Ít nhất trong vòng tháng 4/2024 sẽ có vaccine và chuyển xuống cho địa bàn các huyện triển khai tiêm phòng", ông Trần ngọc Sơn thông tin.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hoàng Nguyên Duy, phương pháp phòng, chống bệnh dại là tiêm vaccine và chỉ có tác dụng trong vòng một năm. Bệnh dại hiện chưa có thuốc chữa, huyết thanh kháng dại có giá thành cao, nên một bộ phận người dân còn e ngại dẫn đến số ca tử vong tăng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho biết, bệnh dại tác động đến tính mạng, sức khỏe nhân dân. Trước tình hình bệnh dại có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh yêu cầu các huyện cần tích cực xây dựng các điểm sáng, cách làm, thực hiện các biện pháp toàn diện để phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài tuyên truyền ý thức nhân dân, các địa phương cần xây dựng các tổ tiêm phòng "đi từng ngõ, gõ từng nhà" thực hiện tiêm phòng vì nếu không có biện pháp kịp thời sẽ nguy hại đến tính mạng người dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cần triển khai xây dựng kế hoạch đấu thầu vaccine trên cơ sở đăng ký của các địa phương; chỉ đạo tổ chức lớp tập huấn, công tác chuyên môn cho đội ngũ y tế cơ sở.

Để việc phòng, chống bệnh dại hiệu quả, các địa phương cần nắm rõ số đàn chó, mèo trên địa bàn; chủ động chuẩn bị vaccine để thực hiện mục tiêu theo Kế hoạch phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 của tỉnh tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo đạt 70%.

Việc tiêm phòng vaccine không chỉ tiêm theo một năm mà phải thường xuyên, liên tục theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, ngành y tế cần xây dựng kế hoạch quan tâm, hỗ trợ huyết thanh kháng dại cho đối tượng người dân nghèo, khó khăn, chính sách, dân tộc thiểu số…

Năm 2024, Đắk Lắk có 185.211 con chó mèo. Nguồn ngân sách tỉnh chi mua vaccine cho đối tượng ưu tiên là 40.853 liều.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm